Lên “vương quốc cổ vật” khám phá cuộc sống của người Mường Bi
(Dân trí) - Ở Mường Bi cầm thanh sắt nhọn thuốn sâu xuống đất cũng có thể va vào… đồ cổ. Đồ cổ nhiều đến mức khi đi làm nương rẫy, người dân tìm thấy xếp thành đống bên góc bờ. Và đã có lúc, dân đồ cổ đổ xô về đây kiếm tìm…
Đã có lúc người ta kháo nhau rằng; xóm Trại, Tân Lập, Lạc Sơn, Hòa Bình là “Vương quốc cổ vật” bởi ở đó có những tầng nấc văn hóa hàng nghìn năm. Người dân Mường Bi cầm thanh sắt nhọn thuốn sâu xuống đất cũng có thể va vào… đồ cổ. Đồ cổ nhiều đến mức khi đi làm nương rẫy, người dân tìm thấy xếp thành đống bên góc bờ. Đào móng làm nhà cũng vớ được đồ cổ. Và đã có lúc, dân đồ cổ đổ xô về đây kiếm tìm…
Tuy nhiên, không vì thế cuộc sống của người dân xóm Trại bị xáo trộn như một số nơi khác. Đến “vương quốc cổ vật” du khách có thể khám phá những nét văn hóa độc đáo cổ ở xứ Mường Bi này.
Từ thị xã Hòa Bình theo quốc lộ 6 đến ngã ba Mãn Đức, rẽ trái theo tỉnh lộ 436 đến ngã ba Xưa, rẽ trái tiếp theo đường 12B khoảng 6km, rồi rẽ trái theo đường liên xã đi Tân Lập 3km (khoảng 50km) là đến xóm Trại xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình.
Tại đây là nơi người ta đã phát hiện ra cả một “vương quốc cổ vật”. Qua các nghiên cứu cũng như phân tích bằng phương pháp khoa học, lối mòn được xác định là đường đi lại được người nguyên thủy sử dụng sớm nhất tại hang xóm Trại.
Cho đến thời điểm này, hang xóm Trại có khoảng trên 4 nghìn hiện vật được khai quật. Đặc biệt, ngoài việc phát hiện 2 lối đi cổ, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy vết tích tro bếp - một hiện vật tiền sử sớm nhất ở Việt Nam - và bộ hài cốt có độ tuổi trên 14 nghìn đến 17 nghìn năm.
Xứ Mường Bi như một bức tranh thủy mặc đẹp lung linh, ẩn chứa rất nhiều điều huyền bí. Đất trời như hội tụ ở con người và cảnh vật nơi đây hàng trăm năm qua vẫn tinh khiết đến tận ngày nay.
Bài, ảnh: Minh Phan