Làm gì để không bị "hành xác" khi đi du lịch Đà Lạt dịp lễ?
(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng đi du lịch Đà Lạt các dịp nghỉ lễ giống như "hành xác" vì lượng người đến đông khủng khiếp. Lãnh đạo địa phương cũng thừa nhận thực trạng này.
Tại hội thảo "Du lịch Việt Nam - Cơ hội và thách thức hè 2022" nằm trong khuôn khổ Ngày hội du lịch TPHCM lần thứ 18 (diễn ra từ ngày 14/5 đến 17/5), nhiều thông tin về nhu cầu, thực trạng trải nghiệm tại các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam như Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng của du khách đã được đưa ra.
Khách du lịch không hài lòng nhất chuyện "chặt chém"
Theo đại diện chuyên trang Travelner, Sau gần 2 năm ngành du lịch bị đóng băng do diễn biến dịch, các doanh nghiệp lữ hành từng bước tái khởi động lại còn gặp nhiều trở ngại khi phải đáp ứng các quy định về phòng chống dịch, đón khách an toàn và chính sách mới về đón khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, trước làn sóng du lịch mạnh mẽ dự kiến "đổ bộ" vào dịp hè 2022 này, các doanh nghiệp lữ hành có thể gặp phải nhiều sự lúng túng khi tiếp đón lượng khách quá lớn.
Dù từ ngày 15/3, Việt Nam đã chính thức mở cửa hoàn toàn trở lại ngành du lịch, tuy nhiên Bộ Y tế mới bỏ quy định dừng khai báo y tế với người nhập cảnh từ ngày 27/4, nên lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa tăng trưởng mạnh như kỳ vọng.
Số liệu do Travelner ghi nhận, từ đầu năm đến nay, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 chiếm hơn 65% so với tổng số lượng của toàn Quý 1/2022. Trong tháng 4 đã ghi nhận lượt du khách Quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 2,5 lần so với tháng trước, nhờ vào việc mở lại nhiều đường bay quốc tế. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên trong đợt lễ 30/4 và 1/5 vừa qua khi nhu cầu du lịch của du khách đã tăng trở lại và khá mạnh mẽ. Cụ thể, tại các địa điểm du lịch nổi tiếng như Đà Lạt, Vũng Tàu, Khánh Hòa, Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng, đã đón lượt khách khổng lồ, dẫn đến tình trạng quá tải, cháy phòng, nhiều chuyến bay bị hoãn, ùn tắc lưu thông tại các tuyến đường liên tỉnh...
Trong dịp Hè sắp tới, dự kiến số lượng du khách đổ về các địa điểm du lịch nổi tiếng sẽ bùng nổ, nguy cơ dẫn đến tình trạng cháy vé, cháy phòng. Vấn đề đặt ra là Sở du lịch của các địa phương phải có các giải pháp để chuẩn bị cho việc đón khách, đặc biệt là việc giám sát hiện tượng chặt chém du khách, giữ bình ổn giá cả các dịch vụ.
Theo khảo sát trên một tờ báo có trụ sở chính tại TPHCM về các lý do không hài lòng của khách khi đi du lịch, có đến gần 60% phản ánh về nạn giá cả dịch vụ "chặt chém" tại các địa điểm du lịch. Kế tiếp là vấn nạn chèo kéo khách. Hơn 15% người tham gia khảo sát cho biết bực mình vì thiếu các nhà vệ sinh. Và sau đó là các vấn đề như đồ ăn dở, thời tiết không thuận lợi...
Làm gì để không bị "hành xác" khi đi du lịch Đà Lạt?
Tiếp nối những thách thức của du lịch, trong phần đặt câu hỏi cho lãnh đạo các địa phương, phía ban tổ chức đã chia sẻ về nhiều ý kiến cho rằng đi Đà Lạt các dịp nghỉ lễ giống như "hành xác", vì lượng người đến đông khủng khiếp kéo theo sự mệt mỏi chờ đợi, có nhiều trải nghiệm không mấy vui vẻ...
TP Đà Lạt làm cách nào để xây dựng uy tín và sự thân thiện của điểm đến, để du khách đi rồi là muốn đến nữa, chứ không phải "đi một lần tởn tới già"?
Ông Tôn Thiện San, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt chia sẻ, du lịch chiếm 60% tỷ trọng GDP của địa phương. Một nét độc đáo trong du lịch Đà Lạt ngoài cảnh quan, khí hậu còn ở đặc trưng con người nơi đây rất hiền hòa mến khách.
Nhưng gần 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, Đà Lạt không có khách du lịch. Trong thời gian này, địa phương đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, sử dụng các phần mềm thông minh để quản lý thành phố.
Hiện nay, Đà Lạt đã có những chương trình âm nhạc tổ chức giữa thiên nhiên, thu hút rất đông du khách. Ngoài ra, còn có các loại hình du lịch như thể thao mạo hiểm, cắm trại trong rừng...
Lãnh đạo Đà Lạt thừa nhận, có những thời điểm (như lễ, Tết) lượng khách đến quá đông, tỉnh không đủ khả năng phục vụ. Thống kê đến hiện tại, địa phương có khoảng 2.300 cơ sở lưu trú, với trên 30.000 phòng và hơn 40.000 giường. Nếu quá con số này thì Đà Lạt sẽ gặp khó khăn trong đáp ứng các dịch vụ cho du khách.
Ông Tôn Thiện San mong muốn, ngoài các biện pháp đầu tư phát triển của Đà Lạt, du khách hãy là những khách du lịch thông thái, đi có kế hoạch, đến có lịch trình, để địa phương được phục vụ tốt hơn.