Kỳ lạ ngôi làng “quý lợn khác thường”, ngày ăn cháo trắng tối ngủ mắc màn

(Dân trí) - Mỗi “ông lợn” trong lễ rước ở làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) sẽ được chăm sóc theo chế độ riêng. Trong đó, thức ăn phải được nấu bằng cháo gạo nếp hoa vàng và bột dinh dưỡng, tuyệt đối không sử dụng loại thức ăn thừa, ôi thiu.

Năm nào cũng vậy, đúng ngày 13 tháng Giêng, hàng nghìn người dân La Phù lại rộn ràng tổ chức lễ hội rước lợn. Đây là dịp để người dân tưởng nhớ công ơn của Đức Thành hoàng làng là Tĩnh Quốc Tam Lang có công dẹp giặc dưới thời Vua Hùng.

Lợn được tráng miệng hoa quả, ngủ mắc màn

Chia sẻ với PV Dân trí, cụ Nguyễn Phan Đích (70 tuổi, Trưởng ban Khánh tiết xã La Phù) cho biết, lợn được chọn trong lễ rước, được người dân gọi là “ông lợn”. Năm nay, các xóm ở La Phù chọn ra được 17 ông đạt tiêu chuẩn để tham dự lễ hội.

 “Lễ hội đã được tổ chức và duy trì trong hàng trăm năm qua và được xem là nét văn hóa độc đáo của người dân làng La Phù. Lợn tế được coi là linh vật nên tất cả các khâu chuẩn bị đều công phu, kỹ càng”, ông Đích nói.

_DSC9377.JPG

Thức ăn cho các "ông lợn" phải là cháo trắng và bột cám sữa được đặt riêng

Để có một ông lợn to đẹp, dâng lên đức thánh thường vào đầu năm, người dân làng La Phù sẽ họp bàn để chọn ra người cai đám (nuôi lợn). Những gia đình này phải là những người gương mẫu, có đức, có tài, cuộc sống hạnh phúc, kinh tế khá giả và có cả con trai, con gái.

Ông lợn làm lễ tế cũng được chọn kỹ càng. Trong đó, phải là lợn đực, tai vểnh, mặt nhẵn, thân hình phương trượng, cân đối đặc biệt người không có dị tật. Các ông lợn sẽ được nuôi trong vòng 1 năm từ tháng 1 năm trước cho đến tháng 1 năm sau.

Theo ông Đích, việc tuyển chọn đã khắt khe nhưng khâu chăm sóc cũng kỳ công không kém. Mỗi ông lợn sẽ được ở trong một gian riêng như gian nhà, ô chuồng phải lát gạch sạch sẽ, cao ráo. Thức ăn cho các ông được nấu bằng cháo gạo nếp hoa vàng và bột dinh dưỡng, tuyệt đối không sử dụng loại thức ăn thừa, ôi thiu.

_DSC9450.JPG

Trước khi cho các ông ăn, người nuôi phải rửa tay chân sạch sẽ và gọi mời các ông dùng bữa.

Sau khi ăn xong, lợn được tráng miệng bằng hoa quả tươi như: chuối, táo, lê, bưởi... Ngoài ra, để tăng sức đề kháng, người nuôi thường bổ sung thêm sữa tươi, trứng gà cho “các ông” vào các bữa phụ hàng ngày.

“Việc chăm sóc rất kỳ công. Trước khi cho các ông ăn, người nuôi phải rửa tay chân sạch sẽ và gọi mời các ông dùng bữa. Đặc biệt, để đảm bảo sức khỏe cho các ông lợn, mùa đông chuồng trại phải bịt kín gió, dùng lò sưởi, mùa hè có quạt mát, đêm ngủ mắc màn để tránh ruồi muỗi. Hàng ngày các ông lợn được tắm rửa, lau người, sau khi ăn xong đều có khăn bông riêng để lau mặt”, ông Đích nói.

_DSC9511.JPG

Sau khi ăn xong, lợn được tráng miệng bằng hoa quả tươi như: chuối, táo, lê, bưởi...

Trong 3 tháng cuối trước khi lễ hội rước lợn được tổ chức, khẩu phần ăn hàng ngày của các ông lợn chỉ là cháo trắng gạo nếp và hoa quả. Để đảm bảo sự linh thiêng của “các ông”, trong quá trình nuôi, các hộ tuyệt đối không được cho người lạ vào chuồng kể cả là người làng, hàng xóm.

_DSC9523.JPG
_DSC9524.JPG

Hoa quả phải là hoa quả sạch, người ăn kính cẩn dâng lên "ông lợn"

Trong trường hợp “ông lợn” bị ốm, phải lập tức triệu tập bác sĩ thú y đến thăm khám và tư vấn cách chăm sóc, phòng tránh. Tuy nhiên tuyệt đối không được tiêm thuốc.

“Do được chăm sóc theo chế độ nghiêm ngặt nên các ông lợn lớn rất nhanh và đẹp mã, đặc biệt rất ít khi đau ốm. Hiện nay, một số gia đình được chọn làm cai đám nếu không có điều kiện về chuồng trại sẽ gửi cho một hộ nuôi tập trung cho cả thôn hoặc vài thôn. Tuy nhiên, chế độ chăm sóc các ông lợn vẫn phải đảm bảo theo tiêu chuẩn như đúng hương ước của làng”, ông Đích nói.

Lợn tế lễ càng đẹp, mùa màng kinh doanh càng bội thu

Theo ông Đích, vào sáng ngày 13 âm lịch các thanh niên, đàn ông trong làng sẽ tập trung tại nhà những gia đình cai đám để “hóa kiếp” cho các ông lợn. Trước khi tiến hành, các cụ cao niên, và người chủ nuôi sẽ phải làm lễ xin Thành Hoàng Làng tại đình làng. 

“Việc hóa kiếp cho các ông lợn được tiến hành tỉ mỉ, cẩn thận. Các ông sẽ được mời ra chuồng chứ không được phép bắt trói để tránh làm xây xát, thâm tím. Trước khi được rước về đình chuẩn bị cho lễ tế các ông lợn đều được trang trí bắt mắt”, ông Đích nói.

_DSC9535.JPG

Gia đình ông Nguyễn Văn Sinh năm nay được các gia đình cai đám tin tưởng nhờ phụ trách chăm sóc cho 4 “ông lợn”

Năm nay ông Nguyễn Văn Sinh (52 tuổi, thôn Độc Lập, La Phù) được các gia đình cai đám tin tưởng nhờ phụ trách chăm sóc cho 4 “ông lợn”. Đây là vinh dự lớn nên không chỉ ông mà tất cả thành viên trong gia đình đều dồn công sức, không dám lơ là.

doc-dao-le-ruoc-lon-o-lang-la-phu.jpg

Các ông lợn được rước kiệu trang nghiêm với hàng nghìn người dân tham dự. Ảnh: Mạnh Thắng

Một tháng 4 ông lợn được ông Sinh chăm sóc ăn hết 60kg gạo nếp chưa kể cám sữa, bột dinh dưỡng và hoa quả. Để đảm bảo sức khỏe cho các ông lợn, ông Sinh thường đun sôi nước uống, hoa quả cũng phải là đồ sạch, không thuốc trừ sâu. Các bữa ăn của ông lợn đều được chuẩn bị đúng giờ giấc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ba bữa ăn chính, ông Sinh cũng bổ  sung thêm sữa tươi, hoa quả và trứng gà cho các ông lợn vào các bữa phụ.

_DSC9364.JPG
_DSC9361.JPG

Đình làng La Phù nơi tổ chức nghi thức tế trang trọng

Ông Sinh hào hứng cho biết, các ông lợn được ông chăm sóc đều phát triển tốt, không ốm đau bệnh tật. Dự tính đến khi làm lễ của làng có thể cho cân nặng trên 200kg.

“Dân làng La Phù tin rằng, lợn tế khi cho lên kiệu mà dáng và da càng đẹp thì năm đó xóm làng sẽ có một năm làm ăn thuận lợi và ngược lại lợn không được chăm sóc cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến mùa màng, công việc kinh doanh của mọi người. Chính vì thế, tất cả các công đoạn chăm sóc các ông lợn đều được tôi tuân thủ kỹ càng”, ông Sinh khẳng định.

Hà Trang