Kỳ bí hang “quan tài” ở Thanh Hóa
(Dân trí) - Vùng đất phía Tây tỉnh Thanh Hóa từ lâu đã xuất hiện nhiều hang quan tài như hang Phi, hang Lũng Mu, hang Cáng… Dù nằm trên những đỉnh núi cao đầy hiểm trở nhưng trong hang chứa hàng trăm bộ quan tài gỗ cùng nhiều mảnh xương, gốm sứ và đồng tiền cổ.
Để có thể tìm đến và khám phá những chiếc "hang quan tài" tại vùng đất này thì cần có người “thổ địa” đi dẫn đường.
Con đường lên núi có nhiều đoạn rất đẹp, cảnh quan được bao phủ bởi những ngọn núi cao, mây mù quanh năm. Sau khi đi hết những chặng đường mòn người ta cần vượt qua con sông Luồng hung dữ. Vào mùa nước cạn thì có thể dùng bè qua sông nhưng vào mùa lũ, nước dâng lớn và chảy xiết, người dân không thể đi qua được.
Điều khó khăn nhất đối với người muốn khám phá hang quan tài là họ phải vượt qua những ngọn núi thẳng đứng, nhiều chỗ lại trọc lóc không một bóng cây. Đáng sợ hơn là có những vách đá gồm nhiều hòn đá nhỏ nằm rời rạc, nếu không may đạp vào thì rất dễ gặp tại nạn nguy hiểm. Bởi vậy, phải là những người dũng cảm mà có sức khỏe tốt mới có thể lên được đỉnh núi.
Đường lên những hàng quan tài dựng đứng bởi vách đá
Vượt qua chặng đường dài đầy nguy hiểm, những hang quan tài đã dần xuất hiện. Đặt những bước chân đầu tiên vào hang, người ta không tránh khỏi cảm giác gai lạnh đến rùng mình.
Tại hang Lũng Mu, ngay từ cửa đã xuất hiện các cỗ quan tài gỗ nằm la liệt, với nhiều hướng khác nhau, nhưng chỉ có vỏ, không chứa di cốt bên trong. Quan tài được đục rỗng từ những thân cây gỗ cứng như lim, lát, sến. Với diện tích hang rộng từ 70 -100 m, chứa khá nhiều quan tài gỗ, nhưng đa số đã bị mục nát hư hại, nằm ngang dọc, nhiều cỗ bị mối, mọt gặm nát vun thành từng đống.
Hang Lũng Mu còn có thêm hai tầng nằm sâu bên trong, các tầng này có diện tích chỉ khoảng 40m chứa nhiều cỗ quan tài bằng gỗ còn khá chắc chắn, nhiều cỗ quan tài còn có cả nắp đậy, nhưng không phát hiện thấy hài cốt hay những vật dụng chôn theo người chết.
Rất nhiều quan tài gỗ nằm ngổn ngang
Cũng như hang Lũng Mu, trước cửa hang Phi có khá nhiều cỗ quan tài gỗ đã mục nát, phải rất vất vả mới leo lên được cửa hang. Bên trong hang Phi có khá nhiều quan tài gỗ, nhưng không nhiều bằng hang Lũng Mu.
Đối với hang quan tài thuộc địa phận thôn Khung, xã Thiết Kế, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) không có gì đặc biệt lắm về hình thức, hang rộng và sâu đều khoảng 10m. Các cỗ quan tài bên trong đều không còn nguyên vẹn, cái nhỏ nhất dài khoảng 2,5m, rộng khoảng 0,5m, cái to nhất dài khoảng 3,5m và rộng khoảng 0,7m. Trong hang có nhiều mẫu xương rất lạ. Ngoài xương đầu và xương một vài bộ phận khác của trâu ra, người ta phát hiện ra một bộ xương trông giống hệt với xương hàm của người.
Nhiều mẩu xương cùng những mảnh sứ và những đống tiền cổ còn xót lại
Những cỗ quan tài nằm trong hang Hòm trên đỉnh núi Pha Dờn, Quan Sơn, (Thanh Hóa) thì đều có hình dáng rất đặc biệt và có nhiều nét tương đồng với những mộ thuyền của nền văn hóa Đông Sơn. Hiện trong hang chứa khoảng hơn 50 tấm “thuyền”, tức khoảng gần 30 bộ quan tài cổ. Xung quanh cửa hang có thể tìm thấy rất nhiều mảnh sứ, tiền xu và cả vài chiếc xương người nằm ngổn ngang.
Hầu hết những người dân sống xung quanh khu vực các hang quan tài trên đều không biết hang có từ đời nào và có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, xưa kia, nhiều người dân đi rừng đã phát hiện ra những chiếc hang này.
Không ai biết chủ nhân của những chiếc quan tài này là ai
Điều kỳ lạ của những hang quan tài này là tại sao đường lên hang khó đi như vậy, người trèo lên đó cũng khó vậy mà người ta có thể di chuyển được các cỗ quan tài lên đỉnh núi. Có ý kiến cho rằng rất có thể người xưa đã leo lên đỉnh núi, dùng dây rừng buộc chặt vào quan tài rồi thả dây từ đỉnh núi xuống cửa hang. Ở đó đã có một người đứng trực sẵn, chỉ việc dùng tay kéo quan tài vào trong hang. Tuy nhiên cách lí giải trên không được hợp lí và cho tới nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được ai là chủ nhân của những chiếc quan tài này và làm cách nào có thể đưa người chết lên đây để mai táng.