Kỳ bí hang núi lửa dài nhất Đông Nam Á ở Đắk Nông

Hệ thống hang động núi lửa lớn nhất, dài nhất Đông Nam Á này ước tính dài hơn 25 km, có nhiều hốc sụp, cấu trúc độc đáo với dòng dung nham phun ngược, đủ yếu tố để xây dựng công viên địa chất toàn cầu.

Sau nhiều năm khảo sát và nghiên cứu, mới đây, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản đã có những thông số khá đầy đủ về hệ thống hang núi lửa trải dài từ buôn Choar chạy dọc sông Sêrêpốk đến khu vực thác Đrây Sáp, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là quần thể hang động núi lửa lớn nhất, dài nhất khu vực Đông Nam Á.

 

Xuất hiện trong truyền thuyết

 

Là người đam mê và gắn bó với việc khám phá các hang động núi lửa Đắk Nông từ khi còn là cậu học sinh cấp II, ông Nguyễn Thanh Tùng, hướng dẫn viên Khu Du lịch thác Đrây Sáp, vừa băng rừng vừa giới thiệu cho chúng tôi tường tận về chốn hoang sơ này. “Trước đây, nghe những người đánh cá trên sông Sêrêpốk nói có những hang động trong rừng, tôi rất tò mò nên khi không đi học bèn rủ bạn bè cùng tìm kiếm” - ông kể.

 

Các nhà khoa học Nhật Bản trong một chuyến khảo sát hang động Krông Nô
Các nhà khoa học Nhật Bản trong một chuyến khảo sát hang động Krông Nô



Ông Tùng không nhớ mình đã bao nhiêu lần chui vào các hang động. “Hồi đó, cây rừng còn phủ kín, để vào được hang phải mất rất nhiều thời gian nên có lúc chúng tôi kiệt sức vì đói và không ít lần bị rắn rết tấn công. Tìm được hang nào, dựa trên những cây rừng, hướng di chuyển, tôi đã cố gắng ghi nhớ để tạo mắt xích liên kết” - ông nhớ lại.

 

Theo ông Tùng, khoảng những năm 1970, các hang này là nơi trú ngụ của hàng triệu con dơi nên bà con địa phương gọi là hang Dơi. Thời đó, chỉ cần đứng trên cửa hang giậm chân, lập tức dơi bay ra đen ngợp. Những năm 1990, không hiểu sao dơi ít dần rồi mất hút.

 

Quần thể hang động núi lửa Đắk Nông đã xuất hiện từ lâu đời và có nhiều truyền thuyết được lưu truyền. Không ít người tin rằng hang Dơi là một công trình thiên tạo, rằng trước khi con người xuất hiện, nó chính là nơi trú ngụ của những vị thần. Một câu chuyện khác kể rằng thuở xa xưa, vào thời loạn lạc, có một làng với hơn trăm người từ một nơi xa xôi đã dẫn nhau vào hang trốn. Không ai biết dân làng này đã ở đây bao lâu, chỉ nghe kể họ đã làm một đám cưới tập thể, lấy nước lã từ dòng thác Đrây Sáp để thay rượu mừng.

 

Một truyền thuyết khác cho rằng ngày xưa, vua Gia Long cùng đoàn tùy tùng khi lẩn trốn kẻ thù đã vào trong hang động ẩn nấp và đã trú ngụ suốt một thời gian dài. Có lẽ vì thế nên một con thác gần hang được đặt tên là Gia Long. “Có nhiều sự tích nhưng xuyên suốt các câu chuyện đó, người đời đã nhắc nhở con cháu không được tàn phá hang động, chặt bỏ cây rừng xung quanh và cần bảo vệ nó” - ông Tùng cho biết.

 

Tuyệt tác thiên nhiên

 

Theo các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản, cấu trúc hang động này là kết quả hoạt động của các hệ thống đứt gãy kiến tạo, hình thành kênh dẫn cho dung nham từ dưới sâu đưa lên, hình thành các thể magma xâm nhập và phun trào bazan. Các yếu tố này ảnh hưởng tới hình thái, địa hình của khu vực, tạo nên những cảnh quan, thác nước ngoạn mục.

 

Đứng từ cửa C7 - hang động lớn nhất trong quần thể hang động này - nhìn quanh, phong cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ khiến chúng tôi không khỏi xao lòng. Trong không gian tĩnh lặng, dù chỉ với ánh sáng yếu ớt từ chiếc đèn pin nhưng chúng tôi đã cảm nhận sự kiến tạo tuyệt vời của thiên nhiên.

 

Hang C7 dài gần 1.100 m, bên trong rộng hàng ngàn mét, có cấu trúc độc đáo và đặc trưng của hang động núi lửa với dòng dung nham phun trào. C7 chỉ có một lối vào, phải đi bằng thang dây mới xuống được, phù hợp cho những người yêu thích khám phá, mạo hiểm. Hang còn sót lại 3 tầng địa mạo, cho thấy các dòng chảy dung nham có thời gian phun trào khác nhau. Trong hang là những tảng đá muôn hình muôn vẻ, xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên rất đẹp mắt. Phía trên là hàng vạn hình thù sinh động do thạch nhũ tạo thành. Những dải nhũ thạch chảy dài từ trên cao xuống, tạo nên những hình thù kỳ dị, lạ mắt. Giữa hang, vòm động được nâng cao, sâu hút như một cung điện trong truyện cổ tích. Trên cao, những hạt nước nhỏ xuống tí tách, đều đặn, hợp thành âm thanh êm dịu.

 

Trong khi đó, hang C3 có một lỗ tròn, đường kính khoảng 1 m. Các nhà khoa học lý giải do quá trình núi lửa phun trào, có một thân cây lớn bị dung nham cuốn theo, khi cây mục đã tạo thành một đoạn hang trên nền đá bazan...

 

Mỗi hang động lại có sự khác biệt về chiều dài, hướng phát triển, hình dạng bên trong, mức độ phân nhánh phân tầng, dấu tích dòng chảy dung nham, đặc điểm thạch nhũ, di tích thực vật... Hầu hết các hang đều để lại dấu tích của dơi và một số sinh vật khác nhưng chưa phát hiện dấu tích con người.

 

Hướng tới công viên địa chất toàn cầu

 

Năm 2007, từ một đề tài nghiên cứu do UNESCO tài trợ, Bảo tàng Địa chất Việt Nam (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã chú ý đến hang động núi lửa Đắk Nông. Theo khảo sát ban đầu, hệ thống có hàng chục hang đá bazan rất độc đáo. Ngay sau khi công bố tại một số hội nghị trong và ngoài nước, những hang động này đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, đặc biệt là Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản.

 

Năm 2012, Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản hợp tác với Bảo tàng Địa chất Việt Nam tiến hành nghiên cứu hang động này. Hiện các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản đã khảo sát, đo đạc chi tiết 3 trong số hàng chục hang động. Kết quả cho thấy đây là hệ thống hang động núi lửa có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Trong đó, hang C7 dạng ống, dài nhất Đông Nam Á; hang C3 dài 594,4 m, đứng thứ 2 Đông Nam Á; hang A1 dài 456,7m, đứng thứ 5 Đông Nam Á. Các hang động này được hình thành do quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng ngàn năm.

 

Ông Tachihara Hiroshi, Trưởng đoàn Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản, cho biết: “Hệ thống hang động hình thành trong quá trình hoạt động núi lửa rất có giá trị về mặt khoa học địa chất, thiên nhiên, tiềm năng du lịch..., nếu biết bảo vệ và gìn giữ sẽ rất ý nghĩa và tuyệt đẹp. Do đó, cần nhanh chóng có phương pháp bảo tồn để người dân không chặt phá rừng ở khu vực xung quanh hang động cũng như phá vỡ nét hoang sơ vốn có của hang”.

 

Theo TS La Thế Phúc, Giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam, bên trong hệ thống hang động Krông Nô còn ẩn chứa nhiều bí mật về địa chất thành, đa dạng sinh học, không loại trừ cả khảo cổ... cần được nghiên cứu, khám phá. Hệ thống hang động này cơ bản hội đủ điều kiện để xây dựng công viên địa chất quốc gia, tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Việc xác lập danh hiệu công viên địa chất toàn cầu là cơ sở để đẩy mạnh hoạt động du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn lâu dài các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa cho các thế hệ tương lai.

 

Ông Bùi Quang Mích, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đắk Nông, cho rằng một trong những giá trị của hệ thống hang động này là chúng hoàn toàn hoang sơ, chưa bị con người tác động. Từ cuối năm 2014, để khai thác hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã thống nhất chủ trương và chỉ đạo các ban, ngành liên quan phối hợp với Bảo tàng Địa chất Việt Nam triển khai đề án điều tra, đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất Krông Nô. “Khi hoàn thành, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để tiến tới xây dựng công viên địa chất cấp quốc gia, hướng đến đề nghị UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu” - ông Mích cho biết.
 

Hết sức quyến rũ

 

Đắk Nông đã thống nhất bổ sung hệ thống hang động khu vực Krông Nô vào quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 để các địa phương quản lý có hiệu quả cũng như kêu gọi các nhà đầu tư khai thác phát triển du lịch.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là hệ thống

 

Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là hệ thống  hang động núi lửa có quy mô lớn nhất Đông Nam Á

 

“Hệ thống hang động này hết sức quyến rũ, không kém các nơi nổi tiếng. Đặc biệt, hang động này được hình thành trong đá bazan chứ không phải đá vôi như đa số hang động khác. Do đó, nếu được đầu tư, khai thác hợp lý và có quy hoạch cụ thể thì đây sẽ trở thành điểm tham quan thu hút lượng lớn du khách đến khám phá” - TS La Thế Phúc nhìn nhận.

 

Theo Cao Nguyên

Người lao động