TP Hồ Chí Minh:
Kiến nghị xây dựng quy tắc ứng xử cho du khách Trung Quốc
(Dân trí) - Thời gian vừa qua, tình hình khách du lịch Trung Quốc diễn biến khá phức tạp, gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Đà Nẵng và Khánh Hòa. Trước thực trạng đó, Sở Du lịch TPHCM đã tiến hành lấy ý kiến doanh nghiệp lữ hành đồng thời có những kiến nghị lên cấp trên xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho du khách Trung Quốc.
Tuy không rầm rộ như các tỉnh miền Trung, nhưng Sở Du lịch TPHCM yêu cầu các đơn vị cần nâng cao cảnh giác, phát hiện, báo cáo kịp thời các trường hợp vi phạm tại doanh nghiệp lữ hành có khai thác khách thị trường Trung Quốc. Qua đó, các hành vi như tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động núp bóng, sử dụng HDV người nước ngoài, sử dụng ngoại tệ trong niêm yết giá và thanh toán…cần thông tin nhanh chóng, cụ thể đến cơ quan chức năng.
Từ hiện tượng khách Trung Quốc du lịch “bất thường” tại Đà Nẵng, Khánh Hòa có thể thấy, một số công ty lữ hành từ Trung Quốc đưa hướng dẫn viên Trung Quốc vào Việt Nam, móc nối với một số công ty lữ hành Việt Nam và hướng dẫn viên Việt Nam cho núp bóng và làm "bù nhìn".
Sau đó, các công ty này đưa khách Trung Quốc vào tự tổ chức tour với chất lượng không đảm bảo. Như vậy, chính những công ty của Trung Quốc đã lừa khách Trung Quốc. Theo đà đó, một số các đơn vị cung ứng dịch vụ Việt Nam như: khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, điểm mua sắm, v.v... cũng bán dịch vụ trực tiếp cho các công ty lữ hành này của Trung Quốc. Nhìn thấy thực trạng này từ trước, khi các đối tác Trung Quốc đặt vấn đề hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM đã bị từ chối thẳng thừng.
Theo bà Nguyễn Thị Khánh, PCT Hiệp hội Du lịch TPHCM: “Những đối tác lữ hành từ Trung Quốc đã từng tìm đến các doanh nghiệp tại TPHCM đặt vấn đề hợp tác. Đáng mừng là các doanh nghiệp lữ hành TPHCM đã từ chối hợp tác theo hình thức giống như thực trạng đang diễn ra ở miền Trung. Các hội viên cho rằng nếu hợp tác sẽ chấp nhận đánh đổi uy tín của mình bao năm gầy dựng, ảnh hưởng trực tiếp đến dòng khách Trung Quốc phân khúc cao cấp mà mỗi đơn vị đang khai thác. Mặt khác, lợi nhuận thu về không nhiều nhưng lại tạo ra một môi trường du lịch không an toàn, bát nháo…”.
Về mặt thông tin, cần bổ sung tiếng Trung vào các thông tin chỉ dẫn tại cửa khẩu, sân bay…Theo đó, cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung dành cho khách quốc tế nói chung và khách Trung Quốc nói riêng. Tốt nhất là thông tin cụ thể về luật pháp, tập quán, văn hóa quốc gia du khách sẽ đến khi bắt đầu giao dịch giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác.
Nhằm tăng cường công tác quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, Sở Du lịch TPHCM đã kiến nghị lên các cơ quan cấp cao hơn để có những giải pháp kịp thời.
Cũng theo đề xuất của doanh nghiệp, cần tạo điều kiện cho những người Việt gốc Hoa lớn tuổi, giỏi tiếng Trung, có kinh nghiệm nhưng chưa đủ trình độ văn hóa được nâng cao nghiệp vụ, cấp thể ngắn hạn (1 năm)…để bổ sung vào lực lượng HDV tiếng Trung. TPHCM cần tận dụng lợi thế về đội ngũ hướng dẫn viên tiếng Hoa, kết nối cơ sở hạ tầng với các địa phương lân cận.
Sở Du lịch kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan liên quan lập đường dây nóng hỗ trợ du khách, chỉ đạo VP miền Nam Tổng công ty Hàng không Việt Nam xem xét khả năng bổ sung tiếng Trung vào các bảng hướng dẫn, thông tin tại sân bay Tân Sơn Nhất.
“Vì uy tín của ngành du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch TPHCM kêu gọi các doanh nghiệp du lịch không bao che, không bán tư cách pháp nhân, không dung túng tiếp tay cho những doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn “chui” tại Việt Nam. Làm như thế, vừa thiệt thòi cho số đông khách du lịch Trung Quốc đàng hoàng có văn hóa, vừa thiệt hại đến các doanh nghiệp du lịch Việt Nam…” bà Khánh kêu gọi.
Phạm Nguyễn
phamnguyen.dtr@gmail.com