Khủng khiếp vùng đất nơi hứng chịu hàng ngàn tia sét một giờ
(Dân trí) - Nơi sông Catatumbo gặp hồ Maracaibo ở Venezuela là một trong những vùng đất nguy hiểm nhất thế giới. Mỗi năm ước tính khoảng 260 cơn bão qua đây, trung bình 28 tia sét phóng xuống mỗi phút.
Hiện tượng khí quyển độc đáo trong vùng đã tạo ra 1,2 triệu tia sét phóng xuống hồ mỗi năm. Thậm chí, chúng có thể nhìn thấy từ khoảng cách xa 400 km.
Có nhiều giải thuyết lý giải nguyên nhân các cơn bão liên tục được hình thành. Những luồng gió lớn quét qua hồ, tạo thành mây khi chúng bị chặn lại tại dãy núi Andes. Chúng di chuyển cho tới khi tạo thành các đám mây dông, sản sinh trung bình 28 tia sét/phút, phóng ra nguồn năng lượng lớn tới mức có thể thắp sáng mọi bóng đèn tại khu vực Mỹ Latin.
Những cơn bão đã trở thành biểu tượng tự hào của người dân Venezuela. Chúng từng xuất hiện trong tác phẩm sử thi "La Dragontea" của nhà thơ Lope de Vega. Tại bang Zulia, nơi có hồ nước Maracaibo, những cơn bão hoạt động như ngọn hải đăng tự nhiên, giúp ngư dân địa phương tự điều chỉnh hướng đi vào ban đêm mà không có bất cứ vấn đề gì.
Hiện tượng sét đánh ở Catatumbo và Maracaibo từng ghi danh trong sách kỷ lục Guineess thế giới năm 2015, để trở thành nơi có lượng sét đánh lớn nhất trên mỗi mét vuông.
Hiện tượng sấm sét đặc biệt ở Venezuela từng có thời gian ngưng đoạn vài tuần. Gần nhất là thời điểm năm 2010, khi đó trong vùng bước vào giai đoạn hạn hán trầm trọng, dẫn tới tình trạng thiếu điện tại quốc gia phụ thuộc nhiều vào thủy điện. Trước đó, năm 1906, sau trận động đất ngoài khơi của Columbia và Ecuador gây ra cơn sóng thần, hiện tượng bão sét cũng dừng lại một thời gian.
Huy Hoàng
Theo DM