"Khóc ròng" khi xe đạp công cộng ở TPHCM bị treo ngược cành cây
(Dân trí) - Sau 2 năm vận hành, dịch vụ xe đạp công cộng tại TPHCM đã ghi nhận nhiều trường hợp "dở khóc dở cười".
Tết âm lịch 2022, một vị khách lấy xe đạp công cộng tại công viên Tao Đàn (quận 1, TPHCM) để đi nhậu cùng bạn bè. Sau khi uống say, người này đã để xe đạp tại quán nhậu rồi về nhà ngủ. Nhận được tin báo việc không trả xe, điều phối viên phải gọi cho vị khách này, khi anh đang trong tình trạng say xỉn.
"Tôi không nhớ mình đã thuê xe đạp công cộng ở điểm nào?", anh nói. Không còn cách nào khác, Công ty CP Dịch vụ vận tải số Trí Nam - đơn vị vận hành hệ thống xe đạp công cộng tại TPHCM, phải chờ khách tỉnh táo, động viên khách "ráng nhớ" rồi cử người đến quán thu hồi xe về trạm.
Đây là một trong nhiều tình huống "dở khóc dở cười" mà đơn vị ghi nhận, sau hơn 2 năm vận hành hệ thống này tại TPHCM. Theo ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ vận tải số Trí Nam, đơn vị đã phải xử lý nhiều trường hợp "dở khóc dở cười" vì ý thức khách hàng chưa tốt.
Vào năm 2022, điều phối viên đã nhận được hình ảnh báo về một chiếc xe đạp công cộng bị treo ngược trên cành cây. Hình ảnh này đã nhanh chóng lan truyền khắp mạng xã hội, nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Khi điều phối viên đến hiện trường, xe đã được người dân gỡ xuống giúp. Theo lời chia sẻ của người bán hàng rong ở khu vực, xe đạp bị một nhóm bạn trẻ nghịch ngợm treo lên.
"Mỗi lần phát hiện khách dừng đỗ quá lâu, chúng tôi phải gọi điện trực tiếp hỏi xem họ còn dùng không", ông Quân nói.
Trường hợp khác, một nhóm khách khác thuê xe đạp công cộng nhưng lại đỗ ở vỉa hè. Sau nhiều lần phát loa yêu cầu di dời xe không thành, người bảo vệ tại công viên Bạch Đằng (quận 1, TPHCN) đã nóng giận ném xe xuống đường. Sau sự cố, xe đạp không bị hỏng hóc nặng nhưng có tình trạng trầy xước, yên bị cong. Phía đơn vị bảo vệ đã gửi lời xin lỗi cùng đề nghị bồi thường, đồng thời, người bảo vệ trên cũng đã thôi việc.
Đối với trường hợp không trả xe đúng nơi quy định, đội chăm sóc khách hàng chủ động trao đổi qua điện thoại. Nếu khách nhiều lần không hợp tác, đơn vị sẽ ghi chú thông tin khách, hoặc khóa tài khoản không thể sử dụng dịch vụ. Theo quy định, đơn vị sẽ tổng kiểm tra xe đạp định kỳ 3 tháng/lần. Trong đó, có trường hợp xe bị đổ làm gãy tay phanh, giỏ xe méo phải nắn lại, một vài khóa bị mất kết nối do nhiệt độ ngoài trời thất thường.
Minh Trung (SN 1994, ngụ TPHCM) chia sẻ, xe đạp công cộng tại trung tâm TPHCM thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu xe. Anh phải đi bộ sang trạm xe khác, cách đó 800m để bật ứng dụng thuê xe. Chàng trai 29 tuổi thường đạp xe vào cuối tuần, mỗi lần khoảng một tiếng. "Tôi chọn đạp xe để đốt calo sau bữa ăn. Tôi thường sử dụng xe đạp công cộng lúc xe máy ngoài đường vơi dần, di chuyển chậm để ngắm nhìn đường phố về đêm", Trung nói.
Cũng giống như Trung, Thái Duy (30 tuổi chọn đạp xe vào buổi tối, sau giờ làm việc. Anh đạp xe từ hai đến ba lần trong tuần, bắt đầu từ tháng 5/2022. Điểm bất cập duy nhất Duy gặp phải là khi trạm hết chỗ trả xe, phải di chuyển sang nơi khác.
Theo đánh giá của ông Quân, sau 2 năm vận hành, dịch vụ xe đạp công cộng đang phát triển ở mức ổn định, có khoảng 650-700 khách mới mỗi ngày. Độ tuổi trung bình của khách hàng là từ 22 đến 40 tuổi. Hiện tại, số lượng chuyến ổn định, chỉ ảnh hưởng khi có thời tiết mưa bão.
Tại TPHCM, xe đạp đang được phân bố 43 trạm. Giá thuê 5.000 đồng trong 30 phút và 10.000 đồng cho một giờ đạp xe. Trong năm 2023, đơn vị sẽ triển khai mô hình này ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội và triển khai sang các quận, huyện khác của TPHCM.