Khám phá khu hầm cổ của người Béc-be
(Dân trí) - Công trình "Qasr Al Haj" nằm trên tuyến đường Tripoli-'Aziziya-Al Jawf ở Libya cách thành phố Tripoli khoảng 130 km là một trong những ví dụ điển hình nhất về kiến trúc của người Béc-be (Berber).
Được xây dựng bằng gạch và đất sét, công trình có hình tròn này nhìn bên ngoài dường như không có gì đặc biệt ngoài một cánh cửa dẫn vào một sân rộng lớn bên trong. Xung quanh sân là hàng chục các ô cửa sổ nhỏ sắp xếp theo ba tầng trông giống như một khu hầm mộ với nhiều ngôi mộ sắp chồng lên nhau, hay giống pháo đài công sự của một ngôi làng nào đó.
Chữ “Qasr” trong tiếng Ả Rập có nghĩa là "lâu đài", và chữ “Haj” có nghĩa là một cuộc hành hương. Hàng năm, những người Hồi giáo sẽ có một chuyến hành hương đến thánh địa Mecca, đây là chuyến đi mà theo ý niệm của người Hồi giáo thì mỗi cá nhân trong đời ít nhất phải hành hương đến thánh địa này một lần.
Vào thế kỷ 12, công trình “Qasr Al Haj” là nơi mà những người hành hương trước khi thực hiện chuyến đi dài ngày họ sẽ mang những thứ đồ đạc đến đây để cất giữ. Công trình “Qasr Al Haj” được ví như là một kho chứa hay một khu hầm cất giấu đồ đạc.
Những người dân mang hết đồ quan trọng đến cất giấu tại “Qasr Al Haj” trước khi đi xa, như vậy họ sẽ không phải cõng theo quá nhiều đồ trên người khi thực hiện chuyến hành hương. “Qasr Al Haj” sau đó được sử dụng như là một kho thóc hay là nơi chất chứa dầu ô liu dành cho những hộ gia đình không có đủ chỗ trống tại nhà.
Công trình này ban đầu gồm 114 phòng, tương ứng với số chương trong bộ kinh Koran. Mỗi gia đình đều được sở hữu một phòng trong số đó, đó là nơi họ có thể cất giữ thực phẩm và hạt ngũ cốc an toàn. “Qasr Al Haj” được người dân sử dụng mãi cho đến cuối những năm 1960 thì bỏ hoang.
Ngày nay, công trình “Qasr Al Haj” trở thành một điểm du lịch hấp dẫn và thu hút nhiều du khách đếm tham quan, khám phá.
Đình Huế
Theo A.P