1. Dòng sự kiện:
  2. Du lịch nghỉ lễ 2/9
  3. Đoàn 4.500 khách của tỷ phú Ấn Độ đến Việt Nam

Khám phá “Địa ngục trần gian” giữa lòng thủ đô Hà Nội

(Dân trí) - Nằm trên con phố Hỏa Lò, một trong những con phố ngắn nhất của Hà Nội, Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò chính là nơi giam cầm các chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam.

Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1896 trên mảnh đất làng Phụ Khánh, huyện Thọ Xương, Hà Nội xưa. Hiện nay, với nhiều tư liệu quý còn nguyên vẹn và được trưng bày khoa học, Nhà tù Hỏa Lò đã trở thành địa điểm tham quan hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

 

Khu di tích nhà tù Hỏa Lò

Khu di tích nhà tù Hỏa Lò

 

Là một công trình kiên cố vào loại bậc nhất Đông Dương, Nhà tù Hỏa Lò được thiết kế bao quanh là bức tường bằng đá, cốt thép cao 4m, dày 0,5m, được gia cố bởi hệ thống dây thép gai có dòng điện cao thế chạy qua, bốn góc là những tháp canh có khả năng quan sát nhất cử nhất động toàn bộ trại giam. Riêng hệ thống cửa sắt, ổ khóa, bản lề, đinh móc đều được làm từ những  kim loại có chất lượng hàng đầu.

 

 

 

Với tính chất là một trại giam tàn bạo, Nhà tù Hỏa Lò giống như một "địa ngục" giữa lòng Hà Nội. Tại đây, một chế độ nhà tù hà khắc được áp dụng với các hình thức giam cầm và đầy đọa con người.

 

Tù nhân bị giam xích bằng cùm đôi và nhốt trong những gian nhà, hầm tối chật chội, thiếu ánh sáng. Cửa ra vào chỉ được hé mở khi cai ngục đưa thức ăn vào 2 lần trong ngày.

 

Xà lim dùng để nhốt những  người bị kết án tử hình hay người bị trừng phạt vì vi phạm nội quy, quy chế nhà tù. Do phải ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân tại chỗ nên chỉ sau một thời gian ngắn những tù nhân ấy chân chậm, mắt mờ và bị ghẻ lở đầy người.

 

Khu di tích nhà tù Hỏa Lò

Hình ảnh tái hiện cảnh các tù nhân bị xích bằng cùm đôi trong gian nhà, hầm tối, chật chội và thiếu ánh sáng.

 

Xem thêm thông tin Du lịch tại: http://dulich.dantri.com.vn/
Không dừng lại ở đó, những tù nhân nơi đây còn phải chịu nhiều hình phạt dã man của thực dân Pháp như đánh đập, dìm đầu vào thùng nước, cho người vào thùng phi và gõ inh ỏi.

 

Một trong những hình phạt rùng rợn nhất phải kể đến đó là xử chém. Hiện chiếc máy chém đó vẫn được lưu lại tại nhà tù Hỏa Lò, nó đã được thực dân đao phủ dùng để hành quyết 11 chiến sĩ của cuộc khởi nghĩa Yên Bái và người thanh niên cộng sản 19 tuổi Nguyễn Hoàng Tôn.

 

Ngoài ra những tù nhân ở đây còn đây phải làm rất nhiều loại lao dịch dưới  roi vọt của cai tù. Hàng ngày họ phải làm các công việc như xây dựng, rải đá, vận chuyển nước, đổ thùng…Họ buộc phải lao động hết sức mình, vì hiệu suất công việc được gắn vào bữa ăn của họ.

 

Dù bị giam hãm và tra tấn khắc nghiệt nhưng nhờ sự dũng cảm, quyết tâm và đầy mưu trí của các tù nhân cộng sản mà những cuộc tổ chức vượt ngục ngoạn mục đã được diễn ra. Trong đó, đáng kể nhất là cuộc vượt ngục vào đêm ngày 24/12/1951, 16 đồng chí tù chính trị Hỏa Lò đã chui theo cống ngầm sân trại tử hình thoát ra ngoài. Dù chỉ có 5 đồng chí trở về được vùng căn cứ kháng chiến, tiếp tục tham gia chiến đấu nhưng đó cũng là niềm cổ vũ tinh thần rất lớn cho những tù nhân bên trong.

 

Rất nhiều tư liệu và kỷ vật còn lưu giữa tại nhà tù

Rất nhiều tư liệu và kỷ vật còn lưu giữa tại nhà tù

 

Theo như thiết kế ban đầu, Nhà tù Hỏa Lò chỉ giam được 500 người. Thế nhưng nó đã nhiều lần được mở rộng để có thêm chỗ giam giữ tù nhân. Những năm 1950 - 1953, Hỏa Lò giam cầm đến hơn 2000 người, vì vậy các tù nhân phải nằm dưới đất, hay thay nhau người nằm, người ngồi. Nhiều tên tuổi chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã bị giam ở đây như Phan Bội Châu, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng…

 

Hiện nay, khu di tích Nhà tù Hỏa Lò còn khá nguyên vẹn với nhiều tư liệu quý, được trưng bày khoa học, là điểm tham quan hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

 

Theo thống kê của ban quản lý nhà tù cho biết, hàng năm, nơi đây đón khoảng 35.000 đến 40.000  lượt người đến tham quan và đa phần là khách nước ngoài.

 

Nhằm đáp ứng việc tìm hiểu tham quan của khách du lịch, Nhà tù Hỏa Lò được mở cửa tất cả các ngày trong tuần kể cả các dịp lễ tết quan trọng và giá vé cho mỗi lần tham quan là 20.000 đồng/người.
 
Nhữ Trang - Duy Khoa