Khách Việt "thót tim" đi qua đèo cao và nguy hiểm nhất thế giới ở Ấn Độ
(Dân trí) - Khardung La nằm ở độ cao 5.600m là con đèo dành cho xe cơ giới cao nhất thế giới trong hơn 30 năm. Đến cuối năm 2021, đèo Umling La (cao 5.799m, cũng ở Ấn Độ) được hoàn thành và chiếm vị trí số 1.
Những con đường quanh co chạy dọc theo sườn núi cao hoặc xuyên qua các thung lũng của Ấn Độ luôn có sức mê hoặc với dân phượt từ khắp thế giới.
Sau hơn một tiếng bay từ thủ đô Dehli, anh Nguyễn Đức Hùng cùng nhóm bạn đến thị trấn Leh - thủ phủ của Ladakh (vùng đất ở phía bắc của Ấn Độ, giáp với Pakistan và Trung Quốc) - vào buổi sáng.
Cả đoàn được khuyến cáo nghỉ ngơi trong phòng khách sạn, không tắm rửa trong cả ngày để cơ thể thích nghi với độ cao 3.500m - cao hơn đỉnh Fansipan (3.147m), đỉnh núi cao nhất Đông Dương.
Tới 9h hôm sau, đoàn xuất phát từ thị trấn Leh đến thung lũng Nubra. Trước khi lên đường, gần như toàn bộ thành viên trong đoàn đều uống thuốc chống sốc độ cao, thuốc thông mạch và dưỡng não vì hành trình sẽ qua Khardung La - con đèo dành cho xe cơ giới cao nhất thế giới.
Rời thị trấn chỉ khoảng 10km, con đường đã dốc ngược và cua tay áo liên tục.
Quãng đường từ Leh đến thung lũng Nubra dài 150km nhưng chạy xe hơi mất hơn 4 tiếng do đường hẹp, đa phần không có lan can hay rào chắn, nhiều đoạn đường vẫn đang được thi công gồ ghề đất đá, xe gắn máy và ô tô nhiều lúc đi như bò trên đường. Một số đoạn, các phương tiện phải dừng hẳn để nhường đường cho xe phía đối diện di chuyển.
"Con đường hiện nay đã tốt và được mở rộng hơn rất nhiều so với 10 năm trước nhưng ngồi ở ghế trước của xe, tôi không dám chợp mắt một phút nào vì sợ. Trước mặt tôi, một bên là vực sâu thẳm, một bên là vách đá dựng đứng với những tảng đá lớn nhỏ lúc nào cũng như chỉ chực rơi xuống đường", anh Hùng kể.
"Trước đây, nhiều lần chúng tôi lên gần tới đỉnh đèo mà phải quay về do đường bị sạt lở. Có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra trên cung đường này do va chạm hoặc xe rơi xuống vực", anh Nex - một lái xe trong đoàn chia sẻ với đoàn khách Việt.
Lưu lượng xe tham gia giao thông vào mùa này khá đông. Các xe lưu thông chủ yếu là xe chở khách du lịch và hàng hóa cùng xe của quân đội chở quân, khí tài.
Dù là khu du lịch nổi tiếng thu hút khoảng 600.000-700.000 khách du lịch trong nước và quốc tế mỗi năm, Ladakh lại là vùng đất nhạy cảm về mặt quân sự do đây là khu vực biên giới tiếp giáp với Trung Quốc và Pakistan, thuộc vùng lãnh thổ có tranh chấp.
Để đi đến được khu vực này, du khách phải có giấy phép nội tuyến (Inner Line Permits) được cấp bởi cảnh sát địa phương ở Leh và giấy phép được kiểm tra ở trạm gác ngay ở đầu đường đi lên đèo Khardung La.
Anh Dorjay - hướng dẫn viên của đoàn - cho biết, mùa hè là thời gian dân phượt bằng xe máy và xe đạp khắp Ấn Độ cũng như thế giới đổ về chinh phục cung đường được đánh giá là đẹp và khó đi nhất thế giới.
Từ tháng 10 trở đi, tuyết bắt đầu rơi, một số cung đường bị đóng cửa trong vòng 3-4 tháng do tuyết phủ dày hàng mét, các phương tiện và người không thể di chuyển.
"Sau khoảng hơn một tiếng chạy xe với một bên là vực cheo leo, một bên là vách núi đá dựng đứng, chúng tôi tới đỉnh đèo Khardung La. Mọi người được khuyến cáo chỉ dừng lại đây khoảng 5-10 phút để tránh bị sốc độ cao.
Tuy nhiên, chúng tôi dừng ở đây lâu hơn do thời tiết và cảnh đẹp. Bầu trời xanh ngắt dưới ánh nắng chói chang, xa xa là các đỉnh núi cao phủ băng tuyết quanh năm, gần đó là các con suối róc rách chảy như níu chân du khách", anh Hùng nói.
Nhiệt độ ở trên đỉnh đèo lúc này khoảng 10 độ C. Trên đỉnh có vài quán cà phê, quán ăn nhẹ dành cho du khách. Điểm thu hút du khách nhất là cột mốc đánh dấu độ cao của đèo Khardung La, nơi mọi người chờ nhau chụp ảnh check-in.
Hai thành viên nữ trong đoàn của anh Hùng có dấu hiệu sốc độ cao dù trước đó đã uống các loại thuốc. Dấu hiện dễ nhận thấy nhất của sốc độ cao là đau bụng, khó thở, chóng mặt, đau đầu và buồn nôn do thiếu không khí.
Ôxy trong không khí ở độ cao trên 5.000m chỉ vào khoảng 50% so với dưới đồng bằng. Đoàn anh Hùng nhanh chóng đưa 2 thành viên lên ôtô rời đèo xuống trước. Rất may, họ đã ổn định sức khỏe ngay sau đó.
Sau khi rời đỉnh đèo Khardung La, đoàn anh Hùng được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp của dòng sông Shyok trong thung lũng thần tiên Nubra.
Tuy nhiên, sau khi đi khoảng một tiếng, nhóm khách Việt chứng kiến một trận bão cát rất lớn. Gió to thổi cát và các hòn đá lớn nhỏ lăn từ các triền núi xuống, trong khi bụi mù mịt như bịt mắt tài xế.
"Chúng tôi buộc phải đi rất chậm để có thể quan sát được đường đi và tránh đá lăn", anh Hùng nói.
Cách thung lũng Nubra khoảng 20km, tất cả xe đi từ 2 hướng phải dừng lại do đá ở một vách núi nhô ra đường liên tục lở. Sau khi đợi khoảng một tiếng chờ cơn bão cát lắng xuống, các lái xe quyết định vượt qua đoạn đường đó.
"Tất cả đều lo lắng vì chỉ một tảng đá lớn rơi trúng xe là có thể đẩy chúng tôi xuống vực sâu. Rất may, đoàn an toàn vượt qua và đoạn đường cũng đã được thông ngay sau đó", anh Hùng nói.
Đường từ đỉnh đèo Khardung La đến thung lũng Nubra đi dọc con sông Shyok, con sông dài 550km chảy từ Ấn Độ sang Pakistan. Con sông lớn mùa này đục ngầu và dữ tợn. Được biết con sông này hiền hòa và trong vắt từ tháng 10 đến tháng 3.
Sau 5 tiếng gồm cả một tiếng chờ đợi, đoàn khách Việt đến thung lũng Nubra, một thung lũng đẹp với rừng cây và con suối róc rách chảy giữa các ngọn núi. Đây được coi là nơi phải đến đối với những ai đến vùng Ladakh.
Anh Hùng cho biết, cả nhóm ở đây chơi 2 ngày rồi sau đó đi hồ Pangong - viên ngọc bích tuyệt đẹp của vùng Ladakh, nằm cách Nubra 150km.
Đường từ Nubra đi hồ Pangong - hồ nước lợ lớn nhất trên thế giới và nằm ở độ cao 4.350m so với mực nước biển - đi qua con đèo Chang La (cao 5.300m). Đây là một trong 10 con đèo cao nhất thế giới.
"Gần như toàn bộ cung đường đã được hoàn thiện nên đường đi ít bụi. Dọc đường này, chúng tôi gặp nhiều đoàn du khách chạy môtô và đạp xe.
Mọi người trong đoàn thường xuyên dừng chân để ngắm và chụp ảnh các ngọn núi trùng trùng điệp điệp đa màu sắc, những dòng suối lạnh chạy quanh co trong thung lũng tràn ngập hoa vàng, đỏ. Khung cảnh đẹp đầy mê hoặc, tưởng như chỉ có ở trong tranh vẽ", anh Hùng kể.
Trên đỉnh đèo Chang La, có nhiều nhà hàng và quán cà phê do trên đây có mặt bằng rộng hơn ở đỉnh đèo Khardung La. Anh Hùng cho hay, nhiều người trong đoàn đã quen dần với độ cao nên lần này không ai gặp vấn đề gì dù thời gian ở đây lâu hơn ở trên đỉnh đèo Khardung La.
"Khi nhìn thấy hồ Pangong, tôi mới hiểu vì sao nhiều người sẵn sàng vượt qua những con đường cheo leo và hiểm nguy nhất thế giới để được tới đây. Hồ nước xanh ngắt như một viên ngọc bích quý báu nằm giữa các đỉnh núi cao phủ tuyết trắng quanh năm.
Sau một đêm ngủ ở khu lều nằm bên hồ, tôi đi bộ ra hồ lúc 6h. Lúc này, trời vẫn còn lờ mờ sáng, mặt hồ rộng lớn như được phủ một màu trắng bạc nằm im dưới chân của dãy núi hùng vĩ", anh Hùng chia sẻ.
7h sáng, mặt trời vươn lên trên dãy núi bên kia hồ chiếu ánh bình minh xuống mặt hồ khiến mọi thứ như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài.
Dưới những tia nắng nhảy nhót, mặt hồ Pangong chuyển sang màu xanh lam đặc trưng chỉ ở đây có. Những cơn gió thu se lạnh tạo ra những cơn sóng bạc hòa cùng ánh nắng vàng rực đem đến vẻ đẹp long lanh và lộng lẫy mới cho hồ.