Khách Trung Quốc bạo tay chi tiêu bùng nổ trong kỳ nghỉ lễ 1/5

Huy Hoàng

(Dân trí) - Tranh thủ kỳ nghỉ lễ 1/5 kéo dài 5 ngày, hoạt động tiêu dùng của du khách Trung Quốc có dấu hiệu bùng nổ mạnh mẽ sau 3 năm bị hạn chế vì Covid-19.

Hoạt động du lịch và tiêu dùng của du khách Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng mạnh trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5 kéo dài 5 ngày.

Theo nguồn tin từ tập đoàn đường sắt Trung Quốc, khoảng 19,7 triệu hành khách đã di chuyển bằng đường sắt hôm 29/4. Đây cũng là mức cao nhất được ghi nhận trong một ngày tại "quốc gia tỷ dân".

Khách Trung Quốc bạo tay chi tiêu bùng nổ trong kỳ nghỉ lễ 1/5 - 1
Nhà ga, bến tàu ở Trung Quốc đều trong tình trạng quá tải vào dịp này (Ảnh: HSW).

So với cùng kỳ năm 2019, số liệu này tăng 20% thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. Nhà điều hành ngành đường sắt nước này dự đoán, trong những ngày tới đây, lượng khách di chuyển sẽ tăng lên mức kỷ lục khoảng 120 triệu lượt.

Bên cạnh đó, dữ liệu từ Bộ thương mại Trung Quốc cho thấy, tranh thủ đợt nghỉ lễ kéo dài này, người dân cũng ra ngoài mua sắm nhiều hơn.

Khách Trung Quốc bạo tay chi tiêu bùng nổ trong kỳ nghỉ lễ 1/5 - 2
Trung Quốc đang chứng kiến du lịch nội địa bùng nổ (Ảnh: News).

So với cùng kỳ năm trước, các công ty bán lẻ và cung cấp thực phẩm lớn chứng kiến doanh số bán hàng tăng 21%. Doanh thu của các chuỗi thực phẩm chính tăng 37%, doanh số bán quần áo tăng 21%, doanh số bán đồ trang sức, thuốc lá và rượu đều tăng khoảng 17%.

Các chuyên gia du lịch nhận định, kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ những biện pháp hạn chế Covid-19 từ tháng 12/2022 đã thúc đẩy tiêu dùng và du lịch nội địa phục hồi nhanh chóng.

Tuy nhiên, tính bền vững của sự phục hồi vẫn còn đang là dấu hỏi trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này đang ở mức cao kỷ lục, thu nhập các hộ gia đình giảm.

Khách Trung Quốc bạo tay chi tiêu bùng nổ trong kỳ nghỉ lễ 1/5 - 3
Dòng người xếp hàng không còn chỗ trống trên đường lên Vạn Lý Trường Thành (Ảnh: SCMP).

Theo xu hướng mới, nhiều khách du lịch trẻ Trung Quốc lựa chọn trải nghiệm giá rẻ, chấp nhận ngủ đêm trên phương tiện công cộng để giảm bớt chi phí thuê khách sạn.  

Dữ liệu của cổng thông tin du lịch Fliggy cho thấy, doanh thu từ sản phẩm du lịch nội địa đạt mức cao nhất trong lịch sử ngày 29/4. Cụ thể, doanh thu từ vé máy bay nội địa, cơ sở lưu trú, vé tàu xe đều vượt xa năm 2019. Lượng đặt phòng khách sạn và homestay đặc biệt tăng mạnh với doanh thu tăng 129% so với cùng kỳ năm 2019.