Khách du lịch đến Buôn Đôn cưỡi voi tăng mạnh dịp Tết nguyên đán
(Dân trí) - Trong những ngày Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, hàng nghìn người từ khắp nơi đã “đổ” về huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) để trải nghiệm các loại hình du lịch đầy hoang sơ, thú vị của mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ.
Đến Bản Đôn (Buôn Đôn) vào dịp Tết Đinh Dậu, du khách sẽ thỏa lòng với những cung bậc cảm xúc trước bề dày văn hóa độc đáo của người Tây Nguyên, tham gia vào nhiều hoạt động thú vị như: tham quan nhà dài tìm hiểu phong tục bản địa của Người Ê đê; nghe cồng chiêng uống rượu cần, ăn cơm lam gà nướng; đi thuyền trên sông Sê-rê- pôk; đi cầu treo lắc lẻo,… Tuy nhiên, hoạt động thu hút và được nhiều người hứng thú tham gia nhất vẫn là thử cưỡi voi Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Trụ - Chủ tịch hội đồng thành viên công ty Du lịch sinh thái Bản Đôn (huyện Buôn Đôn) cho biết, trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, từ Mùng 1 đến Mùng 5, có khoảng hơn 6.000 lượt khách từ khắp mọi nơi đã “đổ” về khu du lịch sinh thái này, tăng 20% so với Tết mọi năm và gấp 4,5 ngày thường. Phần lớn khách đến đây đều nhất định thử cưỡi voi một lần.
Năm nay, thời gian nghỉ Tết tương đối ngắn nên du khách trong nước phải tận dụng thời gian từ mùng 2 đến mùng 5 Tết để đi chơi xuân, do đó Bản Đôn cũng bị quá tải khách du lịch những ngày này. Ngoài ra, voi là con vật to lớn, khỏe mạnh nên nhiều du khách cho biết họ muốn đến đây để thử cảm giác cưỡi và thuần phục được nó nhằm mang lại sự tự tin cũng như may mắn cho bản thân mình.
Công việc của loài voi nhà trước kia là giúp người vận chuyển, kéo gỗ xây nhà, làm thủy lợi… tuy nhiên hiện nay voi Tây Nguyên chủ yếu được dùng để chở khách du ngoạn trên sông, vượt suối, băng rừng...
Nhà dài dài nhất Việt Nam là điểm chụp ảnh thu hút du khách
Theo phong tục truyền thống, con voi thể hiện sức mạnh của bộ tộc người Ê đê, sự sung túc của gia đình. Chỉ có những gia đình giàu có mới có voi được thuần dưỡng từ voi rừng. Hiện nay, chỉ có Tây Nguyên mới còn voi, nhưng số lượng cá thể đang bị giảm sút đáng kể.
Giới trẻ ở Bản Đôn giờ đây trở nên xa lạ với phương thức thuần voi của cha ông ngày xưa mà chủ yếu là chăm sóc và điều khiển voi. Những người thuần voi vì thế càng trở nên hiếm hoi theo thời gian. Hiện nay, công việc này chủ yếu là người lớn tuổi, có vài chục năm kinh nghiệm.
Quốc Huy