Hướng dẫn viên “chui” né thanh tra như thế nào?

(Dân trí) - Gần đây vào các ngày nghỉ lễ hiện tượng HDV “chui” là người Việt cũng thi nhau tái xuất với nhiều chiêu trò, khiến ngành du lịch Việt vốn lộn xộn vào các dịp lễ lại bát nháo hơn…

Theo quy định, người được cấp thẻ HDV phải đạt được trong những điều kiện phải có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng các chất gây nghiện… và các bằng cấp chứng chỉ chuyên ngành. Nhưng trên thực tế, vào các ngày cao điểm du lịch như lễ dài ngày 30/4, 1/5 khi đến các điểm du lịch lớn có đông du khách quốc tế, thậm chí khách nội địa rất khó phát hiện những HDV ở đó có đủ điều kiện (có thẻ HDV) hay không.
(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Bên cạnh những HDV du lịch “chui” là nhân viên của các công ty du lịch nước ngoài đi theo các đoàn khách đến Việt Nam, còn có một lượng không nhỏ HDV “chui” là người Việt Nam. “Phát hiện HDV chui là người Việt khó gấp trăm lần việc phát hiện HDV chui là người nước ngoài. Bởi với HDV nước ngoài chỉ cần nhìn là có thể nhận ra, nhưng với HDV chui là người Việt chỉ lao vào kiểm tra may ra mới phát hiện được”, một cán bộ thanh tra ngành du lịch cho hay.

Như không hẹn mà đến, trước nghỉ lễ năm nay “các HDV chui” đang xôn xao bày cách làm như thế nào để qua mắt lực lượng chức năng…

Để đối phó với lực lượng thanh tra ngành du lịch, hiện nay những người này thường áp dụng chiêu trò “né” thanh tra bằng nhiều thủ đoạn tinh vi.

Ngoài ra, để tránh đội thanh tra theo các HDV chui dày dạn kinh nghiệm cách an toàn nhất là trước khi đi bao giờ HDV chui cũng nhờ công ty du lịch viết cho một cái giấy giới thiệu là hướng dẫn của công ty đó. Và nếu không có việc thì nên hạn chế ra ngoài để tránh sự kiểm tra của thanh tra” H – một hướng dẫn viên “chui” cho biết.

(Ảnh minh họa)

Một số người còn nghĩ ra “chiêu” “nhập đàn” để qua mặt lực lượng thanh tra (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Trong trường hợp bị thanh tra kiểm tra, những HDV này không bao giờ nhận mình là HDV của đoàn và họ luôn đầy đủ vé khi vào các điểm tham quan. Nếu gặp người lạ hỏi, cùng lắm họ chỉ nhận mình là trưởng đoàn lo cho anh em đi du lịch! Đặc biệt trên đường đi tản bộ cùng khách, những HDV chui này thường không bao giờ tỏ ra là hướng dẫn cụ thể là việc giấu cờ và mũ đi.

Cũng giống như các lái xe khách né trạm CSGT, những HDV chui này có “tiền trạm” rất nhạy. Người đi trước có thẻ, báo cho người đi sau không có thẻ, chỗ nào, nơi nào lực lượng thanh tra du lịch chốt chặn bao giờ cũng được báo về “hậu phương” kịp thời.

Trên một diễn đàn trên mạng, một số thành viên còn mạnh dạn chia sẻ với các “hậu duệ” của mình rằng: Nếu trong trường hợp bị bắt ở Bến Bính (Hải Phòng) thì các bạn cứ xin nhẹ là các anh ấy tha mà. “Nhớ chỉ cho từ 200K (200.000 đồng) đến 500K (500.000 đồng)từng tội. Cho luôn vào túi các anh ấy”.

Một số người còn nghĩ ra chiêu “nhập đàn” để qua mặt lực lượng thanh tra. Theo đó, nếu bất chợt gặp lực lượng thanh tra họ lập tức nhập đoàn (sử dụng HDV chui) sang đoàn có HDV có thẻ để họ kèm luôn. Như vậy, nếu không kịp thời kiểm tra, lực lượng thanh tra cũng chỉ có nước… đứng nhìn.

Thực tế, trong mấy năm gần đây nhu cầu người dân đi du lịch ngày càng tăng nhưng số lượng và chất lượng của hướng dẫn viên du lịch chưa đủ để đáp ứng.Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến công việc của hướng dẫn viên du lịch trong nước mà nguy hiểm hơn là rất khó để kiểm soát được nội dung văn hóa mà những hướng dẫn viên chui này truyền tải.

Chấn chỉnh tiến tới xử lý dứt điểm tình trạng hướng dẫn viên du lịch chui, và sâu xa hơn là câu chuyện cung cấp đủ hướng dẫn viên cho các thị trường là câu chuyện không đơn giản và khó có thể làm ngay trong ngày một ngày hai. Khi mà lực lượng thanh tra du lịch chưa đủ mạnh, những chiêu thức hoạt động tinh vi của các doanh nghiệp là những rào cản không dễ gì vượt qua với cơ quan chức năng ngành du lịch Việt Nam.

Minh Phan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm