Hòn đá khổng lồ kỳ lạ "thách thức" quy luật tạo hóa

(Dân trí) - Hơn 1300 năm nay, tảng đá khổng lồ nặng chừng 250 tấn vẫn đứng nguyên một vị trí, nằm bí ẩn trên đồi cao ở góc 45 độ, cân bằng trên bề mặt diện tích rất nhỏ mà không bị trơn trượt, lăn xuống phía dưới.

Tảng đá khổng lồ bí ẩn, “thách thức” các định luật vật lý và thời gian, nằm ở Mahabalipuram, một thị trấn biển gần Chennai, miền Nam Ấn Độ. Nặng chừng 250 tấn, chiều cao chừng 6m, chiều ngang khoảng 5m, tảng đá bí ẩn này là một trong những điểm hút khách du lịch.

Hòn đá khổng lồ kỳ lạ "thách thức" quy luật tạo hóa - 1

Suốt hơn 1300 năm qua, khối đá này vẫn đứng nguyên một vị trí, nằm trên đồi cao ở dốc nghiêng 45 độ, cân bằng trên bề mặt diện tích rất nhỏ mà không trơn trượt, lăn xuống phía dưới. Từ nhiều năm nay, những người đàn ông địa phương thậm chí dùng cả voi để di chuyển nó, nhưng mọi nỗ lực đều thất bại.

Hòn đá khổng lồ kỳ lạ "thách thức" quy luật tạo hóa - 2

Người dân địa phương gọi nó là “Vaanirai Kal” (tảng đá của Chúa trời). Nhưng nó được biết tới với cái tên thông dụng hơn là “Trái bơ của thần Krishna”. Đây là cách nói hình tượng hóa về một món quả ưa thích của thần Krishna. Người ta tin rằng, “trái bơ” này rơi từ trên trời xuống.

Khối đá này thậm chí còn nặng hơn những viên đá nguyên khối ở di tích Machu Picchu (Peru) của người Inca. Nhìn thoáng qua, người ta có cảm giác nó có thể lăn xuống đồi bất cứ lúc nào. Trên thực tế, nó vẫn “thách thức” thời gian và nằm đó nhiều thế kỷ nay.

Hòn đá khổng lồ kỳ lạ "thách thức" quy luật tạo hóa - 3

Trên thực tế, phía sau sự tồn tại của tảng đá vẫn còn là bí ẩn. Nhiều nghiên cứu và ý kiến nêu ra xung quanh việc hình thành nên khối đá. Các nhà địa chất cho rằng, khối đá không được hình thành tự nhiên. Bởi dưới sự bào mòn của thời gian khó lòng tạo ra hình dáng như vậy. Quan sát và nghiên cứu có thể thấy, tảng đá có một mặt được cắt xẻ gọn, như một khối bán cầu. Cũng có giả thuyết “hoang đường” cho rằng, nó xuất hiện nhờ sự có mặt của những người ngoài hành tinh tới Trái đất.

Hòn đá khổng lồ kỳ lạ "thách thức" quy luật tạo hóa - 4

Trước đó, con người từng nỗ lực di chuyển hòn đá. Đầu tiên có thể kể tới Narasimhavarman, một vị vua Pallava cai trị khu vực miền nam Ấn độ trong giai đoạn từ 630-638 sau Công Nguyên. Bất chấp sự nỗ lực của những người lao động cường tráng, tảng đá kỳ lạ vẫn nằm im một chỗ, không hề nhúc nhích. Cuối cùng, kế hoạch phải từ bỏ.

Lần gần đây nhất là kế hoạch năm 1908 của Thống đốc Madras Arthur Lawley. Ông muốn di chuyển tảng đá vì lo sợ nếu trượt xuống đồi, nó sẽ tàn phá thị trấn. Ông sử dụng sức kéo của 7 con voi. Nhưng cuối cùng, hòn đá không di chuyển phân nào.

Tảng đá được cho lấy cảm hứng từ Raja Raja Chola, một vị vua nổi tiếng của miền nam Ấn Độ (giai đoạn 985-1014 sau công nguyên), dẫn tới việc tạo ra các “Tanjavur Bommai”. Đây là loại đồ chơi truyền thống của người Ấn, được làm bằng đất nung. Giống như tảng đá này, nó không bao giờ rơi xuống, ngay cả khi bị đảo nghiêng hay xáo trộn, nó luôn trở về vị trí thẳng đứng ban đầu.

Tảng đá “Krishna’s Butter Ball” thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch tới thăm mỗi năm. Nhiều người trong số đó cũng thử sức mình để di chuyển khối đá nhưng đều thất bại. Tuy nhiên, họ đều thu được những bức ảnh và trải nghiệm tuyệt vời.

Huy Hoàng

Theo Odi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm