Hoa hồng xứ lạ giữa đại ngàn Trường Sơn

(Dân trí) - Cho tới trước khi đến Đà Nẵng, chưa lúc nào Cibelly, cô vũ công lớn lên từ khu ổ chuột nghèo nàn thuộc vùng ngoại ô Sao Paulo (Brazil) dám mơ đến việc dành dụm được một khoản tiền cho riêng mình. Cibelly chỉ là một trong số rất nhiều “bông hồng xứ lạ” đang có cuộc sống mới bình yên trên đỉnh Bà Nà.

Hoa hồng xứ lạ giữa đại ngàn Trường Sơn - 1

Sau “những tháng ngày ngột ngạt và tràn đầy sợ hãi

Polina Kudla đến từ Ukaraine, 22 tuổi, đã có hơn một năm thâm niên ở Bà Nà. Ngày ngày, Polina di chuyển từ khu nhà dành cho công nhân viên dưới chân núi, theo cáp treo lên đỉnh 1.400m biểu diễn cà kheo hoặc đóng giả tượng đồng.

Hoa hồng xứ lạ giữa đại ngàn Trường Sơn - 2

Nhớ về quãng thời gian khi còn ở Ukraine, Polina gọi đó là “những tháng ngày ngột ngạt và tràn đầy sợ hãi”.

“Tôi sinh ra ở Lugansk, một vùng đất bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Suốt những năm tháng tuổi trẻ, tôi đã quen dần với những lần di cư từ thành phố này sang thành phố khác”.

Quãng thời gian ấy khiến cho Polina luôn luôn sống trong lo sợ, nỗi sợ hãi ám ảnh cô ngay cả khi tới trường, đi siêu thị hay đi dạo bộ trên những đại lộ lớn. “Việc mua đồ ăn, thức uống thì rất khó khăn. Rất hiếm khi gia đình 3 người chúng tôi có được một bữa tối đủ đầy”, Polina tiếp tục.

Để kiếm sống, cô làm huấn luyện viên thể hình theo giờ tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe. Thế nhưng công việc này cũng không đem lại cho cô bao nhiêu khi chiến tranh khiến mọi thứ trở thành bĩ cực. Nhiều lúc, Polina bật khóc vì không hình dung ra nổi cuộc sống ngày mai sẽ thế nào.

Đúng lúc cảm thấy bế tắc nhất, Polina đọc được mẩu tin tuyển nghệ sỹ biểu diễn cà kheo từ tận Việt Nam xa xôi với mức lương hấp dẫn. Cô gái trẻ mừng rơn, lập tức xin ứng tuyển mặc dù trong đầu cô chưa có khái niệm Việt Nam là nơi nào.

“Lúc đó, tôi chỉ tự bảo mình: Cơ hội để sống tốt hơn đây rồi. Nếu không nắm lấy mình sẽ phải hối hận cả đời”, Polina nhớ lại, “Tôi đã nghĩ đến em trai tôi, nó còn nhỏ và xứng đáng có cuộc sống tốt hơn. Với điều kiện ở Ukraine lúc bấy giờ, tôi không thể giúp em mình làm điều đó. Chỉ vài tuần sau, đơn xin việc của tôi được chấp thuận”.

Mẹ của Polina khi hay tin con gái sẽ sang Việt Nam đã rất sốc. Bà chỉ biết gom số tiền ít ỏi còn lại đưa cô làm lộ phí.

Một tối cuối năm, Polina một mình xách vali ra sân bay Kiev. Hành trang mang theo chỉ có vỏn vẹn 100 USD cùng cặp cà kheo đã bong tróc hết sơn mua tại một cửa hiệu đồ cũ. “Lúc ấy, tôi sợ lắm vì mình chưa bao giờ đi nước ngoài bao giờ. Mọi thông tin về Việt Nam hay Bà Nà Hills nơi tôi sẽ làm việc đều rất ít. Cũng may, phía công ty ở Việt Nam bỏ toàn bộ chi phí máy bay, lưu trú chứ nếu không, có trúng tuyển tôi cũng không biết làm cách nào để sang đây được,” Polina kể.

Ngày đầu đặt chân đến Bà Nà, chào đón cô là những con người hiền lành, thân thiện. Cảnh sắc trên khu vực đỉnh nơi đẹp kỳ vĩ khiến cho Polina thấy bình yên – thứ cảm giác lâu lắm rồi cô không được nếm trải.

Ngay đêm ấy, Polina đã gọi về cho mẹ. Cô kể cho bà nghe về những lâu đài phong cách Pháp sừng sững giữa mây mù ra sao, đi cáp treo thú vị như thế nào. Rồi hóa ra ở đây cũng có các bạn người Ukraine khác đã sang làm việc từ lâu rồi.

Cô gái Đông Âu giờ đã quen với nhịp sống mới. Mỗi tháng lương, cô đều dành một nửa gửi về cho mẹ và em trai. “Giờ, gia đình tôi bên Ukraine đã có thể mua thêm đồ ăn, trả tiền nhà, tiền học. Tôi cũng đang cố gắng tiết kiệm một khoản nhỏ để nếu có cơ hội sẽ mời cả nhà sang Bà Nà, đi cáp treo và để họ thấy tôi đang sống rất tốt ở bên này,” Polina hào hứng.

Từ khu ổ chuột Sao Paulo đến thành phố sông Hàn

Sinh ra và lớn lên tại khu ổ chuột điển hình vùng ven Sao Paulo (Brazil), tuổi thơ của Cibelly (cô gái 20 tuổi) gắn chặt với những túp lều lụp xụp nằm san sát, với lũ trẻ nheo nhóc và gầy nhẳng lê la cả ngày trên đất cát. Thú vui và cũng là đam mê lớn nhất của cô là dán mắt vào chiếc tivi đã cũ mèm, đôi khi không còn phân biệt được màu sắc để xem những vũ công múa điệu Samba rực lửa.

Hoa hồng xứ lạ giữa đại ngàn Trường Sơn - 3

“Bố tôi nợ nần nên bán nhà rồi đuổi mẹ con chúng tôi đi. Không có đủ tiền để mua nhà nên chúng tôi đành chuyển đến ở khu ổ chuột. Tại đây, phụ nữ chủ yếu làm dép cao su còn đàn ông thì đi làm thợ xây. Những đứa trẻ như chúng tôi thường bỏ học từ rất sớm để phụ giúp gia đình,” Cibelly kể.

13 tuổi, Cebelly quyết định bỏ học, đi học nhảy và nuôi giấc mơ trở thành một vũ công chuyên nghiệp – thứ đã ám ảnh cô trong suốt thời thơ ấu. Chỉ 2 năm sau, cô bắt đầu đi biểu diễn và thu về những đồng Real [Đơn vị tiền tệ Brazil-PV] đầu tiên trong đời.

Cô kể lại: “Hồi ấy, mỗi tháng tôi được trả chừng 450 Real. Về sau khi làm tốt hơn, số tiền tăng lên gấp đôi. Thế nhưng, toàn bộ số này cũng chỉ đủ để cả gia đình tôi ăn trong tháng. Tiền thuê nhà cùng các chi phí khác đều phải trông chờ vào công việc lao công của mẹ.”

May mắn đến với Cibelly khi giữa năm 2018, nhóm nhảy của cô nộp đơn xin việc tại Bà Nà Hills và được chấp thuận. Chỉ vài tháng sau, Cibelly lên chuyến bay rời Sau Paulo với tài sản vỏn vẹn… 20 USD mẹ cô đưa trước khi lên đường.

“Đó là lần đầu tiên tôi được rồi khỏi Sao Paulo nên tôi vô cùng háo hức. Mẹ tôi cũng ủng hộ và dặn tôi cố làm việc để gửi tiền về phụ giúp gia đình,” vũ công trẻ người Brazil kể.

Hoa hồng xứ lạ giữa đại ngàn Trường Sơn - 4

Suốt 7 tháng múa điệu Samba rực lửa tại carnival đường phố ở Bà Nà, Cibelly đã biết nói “Xin Chào”; biết ăn bún phở và nước mắm của người Việt. Cô cũng đã kịp làm quen với khí hậu se lạnh ở núi cao. Và quan trọng nhất, cứ cách một tháng, cô vũ nữ lại gửi toàn bộ lương về cho gia đình.

“Mẹ tôi vui lắm vì số tiền tôi gửi từ Bà Nà về cao gấp đôi so với cả hai mẹ con ngày trước làm được. Bà Nà thực sự đã khiến cuộc sống của cả nhà tôi dễ chịu hơn rất nhiều,” Cibelly cho biết.

Trước khi chia tay, Cibelly còn khoe hình xăm một chú bướm đang xòe cánh bên tay trái. Cô bé bảo: Hình xăm ấy được làm ở Việt Nam như cách cô bé tự nhắc nhở về một trong những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mình.

Đã đến lúc cần phải phá bỏ vỏ kén để trở thành một con bướm rực rỡ và kiêu hãnh giữa đời rồi Cibelly ạ!

Theo ông Nguyễn Lâm An, Giám đốc Khu du lịch Bà Nà Hills, hiện tại có khoảng hơn 100 nghệ sỹ nước ngoài đang làm việc tại Bà Nà. Các nghệ sỹ này đến từ rất nhiều quốc gia, Châu lục khác nhau trên thế giới. Nhiều người trong số họ có hoàn cảnh hết sức đặc biệt.

“Sự xuất hiện của các nghệ sỹ nước ngoài tại Bà Nà Hills đã tạo ra một không khí lễ hội đa dạng, hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Chúng tôi lựa chọn họ theo tiêu chí đảm bảo yếu tố nghệ thuật để luôn đem lại trải nghiệm thú vị nhất cho du khách,” ông An nhấn mạnh.