Hành trình khám phá bức tường miền biên ải Pờ Ma Lung
(Dân trí) - Đỉnh Pờ Ma Lung nằm ở bản Lang, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cao 2967 là đỉnh núi cao thứ 8 Việt Nam nhưng đứng nhất nhì về độ khó leo và quãng đường dài. Nằm sát biên giới với Trung Quốc, Pờ Ma Lung được ví như bức tường thành tự nhiên miền biên ải của tổ quốc.
Pờ Ma Lung với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, những ngọn núi cao ngút ngàn đắm mình trong sương, những con suối quanh năm rì rào cùng cung đường hiểm trở và hoang sơ là điểm mong muốn được chinh phục của nhiều dân mê leo trèo núi. Theo anh A Giáo, người dân tộc Mông, một porter chuyên nghiệp cho các cung leo ở Tây Bắc thì Pờ Ma Lung được lần đầu khám phá năm 2016 và được dân leo chú ý từ năm ngoái.
Chúng tôi đến thành phố Lai Châu nghỉ từ đêm hôm trước. Từ thành phố Lai Châu chúng tôi đi xe mất gần 2 tiếng đến bản Lang. Chúng tôi khởi hành từ bản Lang lúc 8h30 sáng sau khi làm thủ tục xin phép bộ đội biên phòng do khu vực leo nằm trong vành đai biên giới.
Đi bộ khoảng 5km qua các cánh đồng bậc thang và thung lũng đầy hoa dã quỳ, chúng tôi đến được bìa rừng nơi bắt đầu hành trình 3 ngày 2 đêm chinh phục Pơ Ma Lung, bức tường thành tự nhiên tại miền biên viên của tổ quốc với tổng quãng đường đi về 40km.
Các porters gùi đồ và mang đồ ăn, nước uống, chúng tôi mang theo mình một balo nhỏ để áo khoác, nước và đồ ăn nhẹ. Một số porters mang đồ vào lán nghỉ trước, một số đi cùng chúng tôi để dẫn đường. Bên cạnh thịt lợn và rau xanh, gà sống được mang vào trong lán để thịt cho 3 ngày sinh hoạt của đoàn.
Sau khoảng 1 tiếng leo, chúng tôi gặp một con thác khổng lồ nằm phía bên phải của đường đi. Tôi chưa gặp một con thác nào lớn như vậy trong các chuyến leo núi trước đây ở Tây Bắc.
Chúng tôi đi dọc theo đường ống dẫn nước từ trên suối xuống dưới bản để dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu cho các ruộng bậc thang. Đoạn này khá khó đi vì một bên là vực sâu, nếu bất cẩn có thể rơi xuống vực.
Sau đó chúng tôi đi qua và men theo một những con suối lớn với những tảng đá khổng lồ. Dù đã rất cẩn thận nhưng nhiều người trong chúng tôi vẫn bị trượt chân ngã sứt xước và ướt giầy.
Sau 3 tiếng leo, chúng tôi dừng chân để nghỉ ăn trưa trước khi phải vượt qua con dốc Ba Giờ theo cách gọi của dân địa phương. Với người dân địa phương cần mất 3 tiếng để vượt qua, chúng tôi hiểu rõ khó khăn và thử thách đang chờ mình ở phía trước.
Sau một tiếng nghỉ trưa, chúng tôi tiếp tục hành trình chinh phục dốc Ba Giờ. Chúng tôi đi xuyên qua rừng chuối, trúc lớn và trúc nhỏ trước khi vào rừng dẻ sồi và đỗ quyên.
Đường lên cao càng ngày càng khó đi. Thỉnh thoảng chúng tôi lại đi theo các con suối trong vắt và mát lạnh chảy từ trên đỉnh xuống dưới.
Sau 8 tiếng leo và 1 tiếng nghỉ ăn trưa, chúng tôi đến được lán nghỉ do người dân địa phương mới dựng thời gian gần đây để cho các khách khám phá như chúng tôi nghỉ đêm. Trước đó các đoàn phải mang theo lều. Lán nghỉ cho các cung leo thường được dựng ở dưới thung lũng để tránh gió và bên bờ suối để tiện cho việc nấu nướng và tắm rửa. Đây là lán sạch và đẹp nhất trong các cung leo mà tôi từng đi.
Trong khi các porters nấu ăn và đợi các nhóm khác về, đám con trai chúng tôi nhanh chóng ra suối tắm còn con gái thì đun nước nóng để tắm. Nước suối rất lạnh, chỉ khoảng 10 độ C, tuy nhiên, ngay khi vừa leo xong, chúng tôi vẫn có thể tắm và sau đó mặc ấm để giữ nhiệt.
Trời trong rừng tối rất nhanh. Nhóm cuối cùng về đến lán lúc 6h30. Chúng tôi ăn tối lúc 7h hơn. Do các porters thường đi với du khách nên họ nấu ăn khá đa dạng và khá ngon.
Ăn xong, chúng tôi chui vào chăn được chủ lán chuẩn bị để ngủ sớm nhằm cho cơ thể hồi phục và chuẩn bị cho ngày vất vả nhất hành trình – chinh phục đỉnh Pờ Ma Lung. Trời về khuya gió rất mạnh và nhiệt độ hạ rất nhanh, chỉ khoảng 10 độ C. Tất cả chúng tôi nhanh chóng chìm vào trong giấc ngủ giữa tiếng suối chảy và tiếng gió rít và thổi lá xào xạc.
Sau khi ăn sáng xong, chúng tôi khởi hành lúc 7h kém. Lúc này trời vẫn còn rất tối và mù sương.
Thời tiết đẹp, không mưa nhưng sương nặng hạt làm cây cối và đường ướt đẫm như vừa trải qua một cơn mưa lớn. Anh trưởng đoàn Nguyễn Trung Kiên nhắc chúng tôi đoạn đường phía trước đi dọc theo suối nhiều tảng đá nhỏ phủ đầy rong rêu do trên núi cao ít nhận được ánh nắng mặt trời nên rất trơn trượt, nguy hiểm.
Sau hai tiếng leo liên tục không nghỉ, nhóm đầu tiên đến được khu vực vành đai biên giới. Anh Nguyễn Trung Kiên trưởng đoàn yêu cầu chúng tôi đi thành từng nhóm theo các porters để tránh đi nhầm sang nước bạn hay bị lạc.
Từ vành đai biên giới lên tới đỉnh mất khoảng 2h30 leo. Đoạn đường này theo chúng tôi là đoạn đẹp nhất cung leo, ai cũng có cảm giác như mình lạc vào vườn địa đàng.
Gần lên đỉnh gió càng mạnh, nhiệt độ càng hạ thấp. Trên này cây cối mọc ken vào nhau. Trúc nhỏ mọc phía dưới còn vươn lên trên cây đỗ quyên và dẻ cổ thụ. Dù nhiệt độ thấp, chỉ khoảng 10 độ, nhưng khi leo nóng, chúng tôi phải cởi áo khoác cho vào balo. Chúng tôi thường leo 20-30 phút thi dừng nghỉ 3-5 phút. Chúng tôi không nghỉ lâu vì sợ cơ sẽ bị cứng.
Nhóm đầu tiên lên đỉnh sau 4,5h leo từ lán nghỉ. Nhiệt độ lúc này hạ xuống nữa, chỉ vào khoảng 6 độ C và rất gió. Theo anh porter người địa phương thì vào mùa đông trên này có tuyết phủ.
Chúng tôi chụp hình lưu niệm trong lúc các porters nhóm lửa để sưởi ấm và chuẩn bị đồ ăn trưa là cơm làm nướng và gà luộc. Lúc này ai cũng đói và lạnh do dừng nghỉ trên núi lâu nên chúng tôi ăn rất ngon và nhanh.
Sau khoảng 1 tiếng ở trên đỉnh, nhóm đầu tiên xuống núi vì muốn về tới lán nghỉ trước khi trời tối. Đường về trời đã sáng hơn khiến cảnh sắc của rừng rừng thảo quả và rừng rẻ cùng các dòng suối nước trong vắt thêm đẹp hơn. Chúng tôi dành nhiều thời gian để chụp ảnh trong chặng đường về này.
Leo xuống dễ và nhanh hơn lúc leo lên nên chúng tôi chỉ mất 3 tiếng về tới lán. Chúng tôi ngủ lại lán thêm một đêm và 6h sáng hôm sau xuất phát từ lán đi về bản Lang. Sau chỉ hơn 5h leo, chúng tôi đến được bản Lang, kết thúc hành trình 3 ngày 2 đêm trên núi Pờ Ma Lung.
Tối hôm đó tại Sapa trước khi trở về Hà Nội, nhóm chúng tôi gồm những người từ ba miền Bắc Trung Nam đã cùng nhau ăn mừng thành công của chuyến leo Pờ Ma Lung, bức sơn thành miền biên ải. Và chúng tôi lại bàn về một hành trình mới. Với những người đã từng gác lại bộn bề hàng ngày để lên đường leo núi, đó là trải nghiệm vô cùng thú vị khi bạn vừa thử sức bản thân, thử thách ý chí, khám phá, cảm nhận và trân trọng sự giàu đẹp của thiên nhiên, đất nước chúng ta.
Lịch trình tham khảo leo Pờ Ma Lung
Tự lái ôtô lên và nghỉ đêm ở TP Lai Châu. Sáng hôm sau đến bản Lang cách thành phố Lai Châu khoảng 45 km để gửi xe ôtô.
Đi xe khách giường nằm từ Hà Nội lên Lai Châu để nghỉ đêm tại đây hoặc hoặc đi xe đêm, sáng sớm hôm sau tới nơi và đi xe oto hoặc thuê xe máy đi đến bảng Lang. Khi về, đi xe về Sapa nghỉ ngơi rồi bắt xe khách từ Sapa về Hà Nội hoặc bắt xe thẳng từ Lai Châu về Hà Nội.
Bài và ảnh: Đức Hùng