Hành trình chinh phục Sơn Đoòng kỳ vĩ (Phần 2)

(Dân trí) - Sau khi nghỉ trưa, chúng tôi đi tiếp đến hố sụt thứ 2 nơi có khu rừng trong hang được đặt tên là Vườn Edam. Có rất nhiều loài sinh và động vật chưa từng được biết đến trên thế giới đã được phát hiện ở đây do điều kiện khí hậu và môi trường đặc biệt của khu vực này...

Ngày 3 - Vườn Edam

Chúng tôi lên đường lúc 9h và dành nhiều thời gian để chụp ảnh trước khi rời hố sụt đầu tiên để đi tiếp tới hố sụt thứ 2. Đường khá khó đi, có những chỗ rất chật hẹp, muốn chui qua tôi phải cởi balo của mình. Sau khoảng 2h chúng tôi sang phía bên của núi đá trong hố sụt thứ 1 để chụp ảnh và ăn trưa. Khung cảnh ở đây đẹp như trong truyện cổ tích với các thạch nhũ, thảm thực vật, những hóa thạch cổ và ngọc trai hang động làm cho tất cả chúng tôi không ai muốn rời đi. Từ đây có thể thấy mảng xanh của cây và ánh sáng của hố sụt 2 ở phía xa.


Một góc khác của hố Sụt

Một góc khác của hố Sụt

Sau khi nghỉ trưa, chúng tôi đi tiếp đến hố sụt thứ 2 nơi có khu rừng trong hang được đặt tên là Vườn Edam. Có rất nhiều loài sinh và động vật chưa từng được biết đến trên thế giới đã được phát hiện ở đây do điều kiện khí hậu và môi trường đặc biệt của khu vực này.

Ông Howard cho biết hầu như toàn bộ vườn Edam chưa được khám phá và du khách chỉ được phép đi theo một lối đi nhất định nhằm bảo vệ và bảo tồn rừng. Từ dưới đáy đến miệng hố sụt cao khoảng 300m, vách núi dựng đứng nên chưa có một người nào leo từ dưới lên hay từ trên xuống nếu không sử dụng dây. “Tôi gặp nhiều đàn khỉ từ trên đỉnh núi xuống khu rừng phía dưới và cũng thấy nhiều đại bàng và cú đi săn ở phía dưới khu rừng”, ông Howard chia sẻ.

Khu vực chúng tôi cắm trại ở hố sụt 2 rất khô và bụi do khu đất phía dưới chân là một sa mạc được hình thành bởi phân dơi từ hàng ngàn năm trước. Lũ dơi đã bỏ đi do nhiệt độ tăng sau khi mảng trần hang sập và tạo ra hố sụt 2 và khu rừng trong hang.

Chỉ có 3 người trong đoàn đi tắm ở dòng sông cuối hang do đoạn đường đi xa và lầy lội trong bùn. Từ điểm cắm trại, tôi và anh bạn người Singapore leo ngược trở lại phía rừng cách đó không xa để rửa mặt dưới dòng nước nhỏ rơi từ phía trên của hố sụt xuống dưới.

Sau khi ăn tối xong, đoàn chúng tôi đã giao lưu văn nghệ với toàn bộ anh em porters và hướng dẫn viên trong đoàn tới tận khuya.


Mờ ảo hố Sụt

Mờ ảo hố Sụt

Ngày cuối - Bức tường Việt Nam

Chúng tôi dậy sớm tranh thủ chụp ảnh, ngắm ánh sáng mặt trời chiếu vào hố sụt trước khi đi tiếp để chinh phục bức tường Việt Nam cao khoảng 80m.

Sau khi vượt qua sa mạc cát trong hang, ngắm nhiều các núi nhũ đá đẹp ngoài sức tưởng tượng, chúng tôi đến được dòng sông nước trong vắt và lạnh ngắt. Chúng tôi đeo các thiết bị leo núi và áo phao rồi chèo thuyền đến chân Bức tường Việt Nam cách đó khoảng 700m. Trước đây khi chưa có thuyền, du khách phải bơi trong làn nước này để đến đây.


Đồi cát cuối hang của một màu vàng kỳ ảo

Đồi cát cuối hang của một màu vàng kỳ ảo

Năm 2011, ông Howard và đoàn thám hiểm đã mất 2 ngày để vượt qua được Bức tường Việt Nam này và định vị vị trí cửa hang rồi trở về và nhờ anh Hồ Khanh tìm đường vào. Chúng tôi chỉ mất hơn 30 phút trèo 30m cầu thang lên phía trên rồi từ đó đu khoảng 50m dây lên tiếp.

Có nhiều ý kiến phản đối việc lắp đặt thang và đu dây trên nhũ đá. Là một người trải nghiệm thực tế thì tôi thấy bức tường đá rất rộng và người leo chỉ đi theo một lối đi rất nhỏ và ảnh hưởng tới bức tường đá là không nhiều. Nếu trực tiếp thấy các chuyên gia người nước ngoài và đội ngũ porters quan tâm tới bảo vệ môi trường trong hang thế nào thì chắc nhiều người sẽ không phải lo lắng đến vậy.


Một cảnh khác của hố Sụt

Một cảnh khác của hố Sụt

Cá nhân tôi ủng hộ việc đi thám hiểm xuyên hang nhằm bảo tồn hang do giảm số lượng người không phải quay lại, giảm thời gian ở trong hang và cũng không gây nhàm chán cho du khách.

Sau khi vượt Bức tường Việt Nam chúng tôi nghỉ ăn trưa để chuẩn bị đi ra cửa sau của hang Sơn Đoòng.

Theo anh Hồ Khanh thì năm 1992 anh đã tình cờ tìm ra lối ra của hang Sơn Đoòng nhưng không biết rằng nó thông với nhau. Năm 2011, khi được ông Howard đưa vị trí của cửa sau của hang, anh cũng đã mất rất nhiều thời gian, có lúc cách cửa hang 15m mà không tìm thấy do địa hình hiểm trở, cây cối rậm rạp.


Cửa ra hang Én

Cửa ra hang Én

Tôi là người thứ 2 của đoàn ra khỏi cửa sau của hang Sơn Đoòng và cùng với hướng dẫn viên đi xuống dưới. Trong đoàn của chúng tôi có nhiều porters lần đầu đi xuyên hang Sơn Đoòng do đây mới là tour thử nghiệm thứ 4 được thực hiện. Chúng tôi đã bị đi nhầm mất một đoạn đường do Đăng – người dẫn đường – cũng đi lần đầu.

Lúc này ai cũng vui mừng vì đã chinh phục được hang Sơn Đoòng. Tuy nhiên, ông Howard nói đoạn đường đi xuống phía dưới rất nguy hiểm do dốc dựng đứng và đá nhọn hoắt, không ai được chủ quan. Dù đã ra khỏi hang nhưng chúng tôi vẫn phải đội mũ bảo hiểm.


Rời hang Én

Rời hang Én

Đi khoảng 2 tiếng chúng tôi đến điểm tập kết và ra đến nhánh Tây đường Hồ Chí Minh nơi có xe ô-tô đón là lúc 3h30, trở lại với thế giới hiện tại sau 4 ngày không internet, không điện thoại và công việc, kết thúc hành trình khám phá hang Sơn Đoòng của mình.

Đối với tôi chuyến đi chinh phục Hang Sơn Đoòng thực sự là một trải nghiệm cực kỳ thú vị, có một không hai trong đời.

Bài và ảnh: Đức Hùng