"Hạnh phúc ngang đường" của cô gái trốn nhà đi xuyên Việt một mình
(Dân trí) - Lén trốn nhà đi xuyên Việt, đến ngày thứ 10 thì bị gia đình phát hiện, Hà Trang (Sơn La) không thể nghĩ rằng chuyến đi của cô sau đó lại có thêm người đồng hành đầy bất ngờ...
Giữa tháng 7/2019, cô gái 29 tuổi quyết định lên đường đi xuyên Việt một mình xuất phát từ Hà Nội. Khi đến Đà Nẵng gia đình cô mới biết, ngay sau đó ông Hà Tiến Bằng, bố cô, đang ở quê Sơn La đáp máy bay vào TPHCM, mượn xe của người quen đi ngược lên Nha Trang (Khánh Hòa) gặp con gái.
Ông Bằng sau đó đã cùng con gái đi qua 10 tỉnh thành như Vũng Tàu, Bình Thuận, Phan Thiết và các tỉnh miền Tây trước khi đến Cà Mau. Hai bố con đã có 20 ngày đồng hành để lại nhiều kỷ niệm vui buồn.
Ngay từ khi còn bé, Hà Trang đã có ước mơ đi khắp các vùng miền Việt Nam, để chiêm ngưỡng những cảnh đẹp của đất nước. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, Trang làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và quảng cáo truyền thông.
Tính chất công việc không cho phép cô được tự do về thời gian. Do đó, Hà Trang quyết định từ bỏ công việc ổn định sang làm tự do và kinh doanh. Sau khi chủ động được thời gian, Trang đã bắt đầu chuyến đi xuyên Việt của mình.
Chuyến đi xuyên Việt một mình cô đã giấu gia đình vì sợ người thân phản đối, bố mẹ sẽ lo lắng. Bắt đầu xuất phát từ Hà Nội, Trang đi theo đường mòn Hồ Chí Minh tới Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.
Nhưng đi khoảng 10 ngày thì cô bị bố phát hiện ra mặc dù ngày nào Trang cũng gọi điện về nhà. Ngay lập tức, Trang đã mời bố cô tham gia chuyến đi của mình vì đây cũng là ước mong lâu nay của ông. Khi thấy con "rượu" mời, ông Bằng không chút do dự đã đồng ý ngay, và sau hai ngày cô và bố đã gặp nhau ở Nha Trang.
Trong chuyến đi, cô và bố ở các cơ sở lưu trú khác nhau như giường tầng, homestay của người địa phương và khu nghỉ dưỡng quốc tế để trải nghiệm. Từ đó hai bố con học hỏi được nhiều từ lối sống cũng như phong tục tập quán của địa phương.
Hành trình của hai bố con rong ruổi khắp nơi đi dọc cung đường ven biển Việt Nam tới mũi Cà Mau, cùng nhau tham quan vịnh Ninh Vân (Khánh Hòa); vịnh Vĩnh Hy, tháp Chăm Kalan Po Klong Giarai (Ninh Thuận)... Bố Trang luôn để cô tự quyết định mọi địa điểm đến, chỗ ăn uống, vì cả hai bố con đều thích trải nghiệm khám phá thiên nhiên, ẩm thực.
Nói về khung cảnh ấn tượng nhất, Trang cho biết đó là ở vịnh Vĩnh Hy. Khi hai bố con cô đến là đúng giờ trưa nên nắng mặt trời chiếu xuống mặt biển tạo ra hiệu ứng óng ánh vô cùng đẹp mắt.
"Được đi cùng người thân, cùng khám phá cảnh đẹp thiên nhiên quả là một niềm hạnh phúc khó nói thành lời. Khi đi tới những vùng biển, mình được cảm nhận qua tất cả giác quan, như thính giác nghe sóng vỗ, cảm nhận cái mát lạnh kèm mùi mặn mòi của biển", Trang chia sẻ.
Trang cùng bố khám phá hết miền sông nước, chợ nổi, miệt vườn miền Tây, rồi chạy xe về TPHCM. Do bận công việc, nên bố Trang đã lên máy bay trở về nhà trước còn cô tiếp tục đi ngược lên Tây Nguyên trong 10 ngày.
Những ngày tiếp theo, Trang độc hành trên cung đường Tây Nguyên, đây là khoảng thời gian cô nhớ bố nhất. Trên đoạn đường ở Đắk Nông sạt lở và lầy lội, cô ước có bố lội bùn, đẩy xe cùng cô đi tiếp hành trình. Rồi khi một mình chạy xe trên con đường rộng lớn bạt ngàn cao su từ Buôn Ma Thuột đi Pleiku, Trang bật khóc khi nhìn vào gương chiếu hậu không còn thấy bóng dáng thân quen của người bố luôn lặng thầm chạy xe phía sau.
Trang kể, từ khi đi làm xa nhà, cô có ít thời gian dành cho gia đình và cũng không nhiều lần nói cảm ơn và yêu thương bố. Sau chuyến đi cô thể hiện điều đó nhiều hơn. "Chuyến đi đã dạy mình rất nhiều điều, nhưng quan trọng nhất vẫn là tình yêu thương với bố. Có bố luôn bên cạnh làm cho mọi việc dễ dàng hơn và có bố chạy phía sau đó là một cảm giác thực sự an toàn".
Hai bố con dự định cả gia đình sẽ thực hiện một chuyến đi dọc Nam - Bắc có cả mẹ và em trai sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Đó hẳn là hành trình sẽ gắn kết thêm tình cảm gia đình cũng như để lại những kỷ niệm khó quên.