Hang Sơn Đoòng có tên trong những khu rừng kỳ lạ nhất thế giới

(Dân trí) - Đã không biết bao lần, Hang Sơn Đoòng được xuất hiện trên các trang báo quốc tế như một điểm đến đầy kỳ thú. Đặc biệt, bên trong hang còn có một khu rừng trù phú và được trang Distractify bình chọn là một trong những khu rừng đặc biệt nhất thế giới.

Rừng Hang Sơn Đoòng, Việt Nam

Tọa lạc tại tỉnh Quảng Bình, Hang Sơn Đoòng hiện là hang động lớn nhất thế giới. Một phần trần hang đã bị sập từ cách đây vài thế kỷ, vì vậy nước mưa và ánh sáng mặt trời có thể lọt vào dễ dàng, nhờ thế mà trong lòng hang có hẳn một khu vực khá rộng mọc um tùm cây cối, tạo thành một khu rừng nhỏ xanh mướt.

Hang Sơn Đoòng có tên trong những khu rừng kỳ lạ nhất thế giới

Ở đây, ngoài những loài côn trùng bé nhỏ còn có những đàn khỉ và đàn dơi sinh sống. Các nhà thám hiểm người Anh đã đặt tên cho khu rừng này là “Vườn Adam”, một kiệt tác của thiên nhiên. Một bài viết trên tạp chí nổi tiếng National Geographic đã từng bình luận: “Có cả rừng trong hang, đủ lớn để chứa được một tòa nhà chọc trời tại New York. Còn điểm kết của hang là bất tận”.

Rừng cây cong, Ba Lan


Rừng cây cong, Ba Lan

Đây là khu rừng thông có gốc uốn cong một cách kỳ thú. Trong rừng có tới 400 cây thông với phần gốc uốn cong và cây nào cũng có tuổi đời hơn 80 năm. Những cây thông kỳ lạ này được trồng từ năm 1930. Cho đến giờ vẫn chưa ai lý giải nổi hiện tượng phát triển đặc biệt của khu rừng.

Rừng cây baobab ở Madagascar

Rừng cây baobab ở Madagascar


Rừng cây baobab ở Madagascar

Rừng cây baobab ở vùng Menabe là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Quần đảo Madagascar. Điều đặc biệt ở loại cây này là đường kính thân lên tới 11m giúp baobab có khả năng tích trữ tới 120.000l nước bên trong thân. Chính nhờ lượng nước khổng lồ này, baobab có thể tồn tại trong những điều kiện khô nóng nhất trên những sa mạc cằn cỗi của châu Phi. Những cây baobab này được cho rằng đã 800 năm tuổi.


Khu rừng dưới lòng hồ, Kazakhstan
 

Khu rừng dưới lòng hồ, Kazakhstan


Khu rừng dưới lòng hồ, Kazakhstan

Hồ nước được hình thành sau một trận động đất vào năm 1911. Từ xa cứ ngỡ những ngọn giáo đâm lên tua tủa trên mặt hồ với làn nước trong xanh có thể nhìn xuyên xuống đáy. Thực tế, dưới lòng hồ là một khu rừng ngập mặn với những cây linh sam mọc chìm dưới hồ và nhô lên trên mặt nước. Điều đặc biệt là nước hồ lúc nào cũng lạnh, nhiệt độ cao nhất cũng chỉ ở mức 6 độ C, nhưng đây chính là yếu tố giúp cho sự phát triển của loài cây linh sam dưới nước.

Rừng máu rồng, Yemen

Rừng máu rồng, Yemen

Rừng máu rồng, Yemen

Khu rừng này nằm trên đảo Socotra thuộc Cộng hòa Yemen nổi tiếng với những cây máu rồng (hoặc cây long huyết, tên khoa học : Dracaena cinnabari). Sở dĩ có cái tên đáng sợ này là do nhựa cây có màu đỏ thẫm giống như màu máu. Nhựa cây máu rồng rất hữu ích, nó được sử dụng làm thuốc nhuộm và dùng trong các bài thuốc dân gian để chữa bệnh.

Rừng bạch đàn cầu vồng, Mỹ


Rừng bạch đàn cầu vồng, Mỹ


Rừng bạch đàn cầu vồng, Mỹ

Đây có thể nói là một trong những loại cây kỳ lạ nhất trên hành tinh được tìm thấy ở đảo Maui, thuộc quần đảo Hawaii. Không giống như bất kỳ loại cây nào trên trái đất, bạch đàn cầu vồng thay đổi màu sắc theo thời gian với các màu khác nhau. Thân cây trông giống như một bức tranh được tô vẽ nhiều màu sắc vô cùng bắt mắt.

Bí ẩn về những gam màu trên thân bạch đàn cầu vồng được lý giải theo nhiều cách khác nhau. Có người cho rằng đó là kết quả của quá trình thay vỏ nhiều lần trong năm. Tuy nhiên, việc thay vỏ giữa các mảng lại không diễn ra cùng một thời điểm.

Rừng thung lũng mai Tân Cương, Trung Quốc


Rừng thung lũng mai Tân Cương, Trung Quốc


Rừng thung lũng mai Tân Cương, Trung Quốc

Ở miền bắc Trung Quốc, Apricot Valley (hay còn gọi là thung lũng mai) là điểm đến tuyệt vời để thưởng thức vẻ đẹp của Tân Cương. Trong tháng tư, khi hoa mai bao phủ cả thung lũng, rừng cây ăn quả tuyệt đẹp nhờ các màu sắc tự nhiên của các loại hoa phơn phớt hồng. Yili Apricot Valley là rừng mai lớn nhất của khu vực này.

Rừng nho mọc từ thân cây, Brazil


Rừng nho mọc từ thân cây, Brazil

Ở Brazil có một loại nho được gọi là Jabuticaba. Giống nho đặc biệt này không ra hoa kết trái trên cành như thông thường chúng ta nhìn thấy mà nó ra trực tiếp trên thân cây và cành cây. Ban đầu nó là màu xanh, sau chuyển dần sang màu hồng và lúc đã chín nó có màu tím.

Khu rừng nhảy múa, phía tây nước Nga

Khu rừng nhảy múa, phía tây nước Nga


Khu rừng "nhảy múa", phía tây nước Nga

Khu rừng "say xỉn" hay còn được biết đến với cái tên khu rừng "nhảy múa này: nằm ở thành phố Kaliningrad, phía tây nước Nga. Nhiều du khách cho hay khu rừng "say xỉn” có những cây thông chụm lại thành những hình xoắn quẩy, giống như những nghệ sỹ uốn dẻo.

Có nhiều giả thuyết được đưa ra về khu rừng này, trong đó có ý kiến cho rằng khu rừng là tác phẩm của những cơn gió vô cùng mạnh thổi qua khu vực này.

Rừng thông Wollemi ở New South Wales

Rừng thông Wollemi ở New South Wales

Loài thông này có tại các rừng ôn đới ở New South Wales, Australia. Hiện nay chỉ còn khoảng 100 cây, vì thế đây là loài cực kỳ nguy cấp. Khu rừng này được cho rằng đã tồn tại tại đây hơn 30 triệu năm.

Rừng chết Deadvlei, Namibia

Rừng chết Deadvlei, Namibia

Dead Vlei (đầm lầy chết) trước kia là đầm lầy của sa mạc Namib, Namibia. Vào thời điểm đó, nước tù giúp cho cây keo sinh trưởng và phát triển trên sa mạc này. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước đã giết chết những cây này cách đây khoảng 900 năm và đã nhường chỗ cho một phong cảnh sa mạc tuyệt đẹp.

Rừng đa cổ thụ, Ấn Độ

Rừng đa cổ thụ, Ấn Độ


Rừng đa cổ thụ, Ấn Độ

Rừng đa này nằm ở vườn Acharya Jagadish Chandra Bose của Ấn Độ. Ước tính tuổi các cây này khoảng tầm hơn 250 năm. Cành của chúng cứ đan xen vào nhau và lan rộng ra. Diện tích của khu rừng đa này vào khoảng 14.500 m2.

Rừng Monkey Puzzle ở Chile

Rừng Monkey Puzzle ở Chile

Tọa lạc ở miền nam Chile, rừng cây Monkey Puzzle là khu rừng đặc biệt bởi gỗ và hạt của chúng. Những năm gần đây những cây gỗ này đã bị đốn hạ nhiều, tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, khu rừng đã được bảo vệ.

Rừng Aokigahara, Nhật Bản

Rừng Aokigahara, Nhật Bản

Rừng Aokigahara, nơi sở hữu thảm thực vật ken dày cực kỳ đặc biệt còn được gọi là Biển Cây, hay nổi tiếng hơn là Rừng Tự Sát.

Núi Phú Sĩ kỳ vĩ, đã đang và sẽ luôn là biểu tượng của Nhật Bản. Nhưng ít ai biết rằng, ngay dưới chân ngọn núi kỳ vĩ ấy lại ẩn chứa rất nhiều bí mật và truyền thuyết tương phản hoàn toàn với ánh băng tuyết uy nghi nơi chóp đỉnh. Rừng Aokigahara có số lượng tự tử mỗi năm cao nhì thế giới, chỉ sau cầu Cổng Vàng tại San Francisco, Mỹ.

Phương Nam


Phương Nam


Phương Nam
Tổng hợp