“Hà Giang cần biến Di sản thành thương hiệu du lịch”
(Dân trí) - Tại buổi hội thảo liên kết vùng trong chiến lược thúc đẩy kinh tế, du lịch tỉnh Hà Giang và các tỉnh Đông - Tây Bắc, ông Trần Quốc Khánh, Phó Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao văn hoá và UNESCO (Bộ Ngoại giao) khẳng định, tiềm năng phát triển du lịch, kết nối di sản của các tỉnh Đông - Tây Bắc là rất lớn.
Trong khuôn khổ sự kiện Lễ hội hoa tam giác mạch diễn ra tại Hà Giang, chiều 16/11, UBND tỉnh Hà Giang, Yên Bái phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo liên kết vùng trong chiến lược thúc đẩy kinh tế, du lịch tỉnh Hà Giang và các tỉnh Đông - Tây Bắc.
Hội thảo có gần 20 tham luận của các nhà quản lý văn hoá, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Đức, Đan Mạch… Nhiều tham luận đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang trong liên kết vùng về kinh tế, du lịch với các tỉnh Đông – Tây Bắc.
Phát biểu khai mạc hội thảo Liên kết vùng trong chiến lược thúc đẩy kinh tế du lịch tỉnh Hà Giang và các tỉnh Đông – Tây Bắc, ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: “Mục đích tại hội thảo là phối hợp với các tỉnh trong 2 chuỗi liên kết vùng đề xuất các chính sách, dự án, định hướng nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch dịch vụ vùng, hướng tới hình thành các chuỗi du lịch dịch vụ được liên kết chặt chẽ, thống nhất về sản phẩm, sự kiện tour tuyến…
Đồng thời, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế và các chính sách thu hút đầu tư du lịch của Hà Giang để kết nối các doanh nghiệp du lịch trong, ngoài nước, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp, đợn vị đầu tư du lịch trên địa bàn cùng trao đổi kinh nghiệm, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường du lịch, xây dựng hình ảnh đẹp về du lịch Hà Giang tạo điều kiện mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Hà Giang”.
Bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương cùng các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu nông sản của Hà Giang.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thì cho rằng, việc liên kết du lịch vùng khu vực Đông - Tây Bắc là chiến lược quốc gia, đã được triển khai từ lâu. Từ năm 2008, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng bao gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Hà Giang đã ký biên bản hợp tác phát triển du lịch nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của cả khu vực. Ở phía Đông Bắc, Hà Giang và các tỉnh còn lại gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang cũng có những liên kết chặt chẽ...
Cũng tại buổi hội thảo, ông Trần Quốc Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hoá và UNESCO (Bộ Ngoại giao) cho rằng, tiềm năng phát triển du lịch, kết nối di sản của các tỉnh Đông - Tây Bắc rất lớn. Hiện nay, khu vực này có tổng cộng 7 di sản thế giới, trong đó có 4 di sản phi vật thể, 2 cao nguyên đá (là cao nguyên đá Đồng Văn và non nước Cao Bằng) được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Việc phát triển du lịch của vùng Đông – Tây Bắc đã mang đến lợi ích lớn về phát triển kinh tế, du lịch, văn hoá, để người dân và du khách cùng hưởng lợi.
Ông Trần Quốc Khánh đưa ra mục tiêu “Hà Giang cần biến Di sản trở thành thương hiệu du lịch”. Theo ông Trần Quốc Khánh, để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ và UBND tỉnh Hà Giang cần có những giải pháp như: Chủ trương của Chính phủ cần nghiêm túc thực hiện các cam kết với UNESCO và quốc tế; Đẩy mạnh hội nhập và giao lưu quốc tế trong bảo tồn và quản lý di sản; Xử lý di sản trong tổng thể quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Giữa văn hoá và kinh tế, giữa bảo tồn và phát triển; Bảo tồn và phát huy di sản là trách nhiệm của Nhà nước là sự nghiệp của quần chúng và cộng đồng.
Cụ thể việc xử lý di sản hài hoà giữ phạm trù bảo tồn và phát huy thì cần phải thực hiện theo 7 điều sau: Một là Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý; Hai là đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tăng cường bảo vệ cho các di sản được UNESCO ghi danh; Ba là phân cấp quản lý di sản cụ thể, xác định rõ quyền hạn và và trách nhiệm các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và của nhân dân đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Bốn là phát huy vai trò giám sát của xá hội, của cộng đồng; Năm là Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội; Sáu là xử lý hài hoà quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, bảo vệ môi trường; Bảy là ứng dụng cộng trong bảo tồn, quản lý di sản.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù có nhiều tiềm năng và bước đầu đạt được kết quả nhưng liên kết vùng du lịch Đông - Tây Bắc vẫn còn chưa tương xứng tiềm năng. Những khó khăn nhất hiện nay trong việc liên kết vùng Đông – Tây Bắc là giao thông còn chưa thuận lợi, mất nhiều thời gian của du khách; thiếu sự phối hợp trong công tác quản lý nhà nước giữa các địa phương; thiếu sự quảng bá du lịch; thiếu sản phẩm du lịch mới đặc trưng chất lượng cho cả vùng...
Các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp trong việc thúc đẩy việc liên kết vùng, trong đó tập trung vào các giải pháp: Phát triển du lịch cần phải đi song song với việc bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển văn hoá, con người; ngăn chặn những hành vi ứng xử chưa đẹp với di sản; tăng cường mời gọi đầu tư, tạo ra những sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng…
Lễ hội hoa tam giác mạch ở Đồng Văn thu hút khách du lịch tham quan, chụp ảnh.
Cũng trong khuôn khổ của hội thảo, UBND tỉnh Hà Giang cũng cho ra mắt bộ nhận diện thương hiệu “Amazing Ha Giang” (Kỳ vĩ Hà Giang). Đây là kết quả hợp tác về kinh tế, văn hoá, du lịch giữa UBND tỉnh để quảng bá mạnh hơn các sản phẩm du lịch, nông sản của Hà Giang tới du khách trong nước và quốc tế.
Trong buổi tối cùng ngày, Lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang khai mạc tại sân vận động trung tâm huyện Đồng Văn. Lễ hội hoa tam giác mạch năm nay có các hoạt động: Đêm nhạc hội “Hoang mạc đá”; cuộc thi vẽ tranh cho trẻ em 4 huyện Cao nguyên đá; thi hướng dẫn viên du lịch tài năng; chương trình giao lưu văn nghệ giữa các nghệ nhân, diễn viên quần chúng và du khách tại chợ đêm Mèo Vạc; tổ chức triển lãm ảnh “Đất và người Mèo Vạc”; trình diễn múa khèn tập thể…
Bài và ảnh: Nguyễn Hằng