"Giữ chân" du khách bằng visa, du lịch Việt bao giờ đuổi kịp Thái Lan?
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong số ít quốc gia ở Đông Nam Á vẫn yêu cầu xin thị thực đối với hầu hết các khách du lịch, điều này làm giảm tính cạnh tranh, không thu hút được khách quốc tế.
Tại diễn đàn "Phục hồi Du lịch Việt Nam, định hướng mới, hành động mới", diễn ra sáng 1/4, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đánh giá so với các nước trong khu vực, chính sách cấp thị thực nhập cảnh của Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn du khách, làm giảm tính cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt với các thị trường lân cận.
Cụ thể, nếu như đa phần các quốc gia khác trong khu vực đã áp dụng chính sách miễn thị thực cho du khách quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống, thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia ở Đông Nam Á vẫn yêu cầu xin thị thực đối với hầu hết các khách du lịch.
"Việt Nam chỉ áp dụng miễn thị thực cho khách du lịch trong thời gian ngắn bằng 15-50% so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Phillipines, Indonesia…", ông Tuấn dẫn chứng.
Theo chuyên gia này, hiện nay để thu hút khách du lịch, nhiều quốc gia có nền du lịch cạnh tranh như Thái Lan, Singapore đã áp dụng quy trình cấp thị thực thấp và thủ tục công khai trên nền tảng điện tử.
Trong khi đó, chi phí thị thực du lịch cấp khi nhập cảnh tại cửa khẩu của Việt Nam cao gần gấp hai lần so với các nước như: Campuchia, Lào hay Indonesia.
Các thông tin về xin cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam đều ít được tổng hợp công khai, rõ ràng trên bất kỳ một cổng thông tin điện tử chính thức, gây ra những hạn chế lớn về tính minh bạch và sự cởi mở, linh hoạt, thu hút của nền du lịch Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế.
Thậm chí, theo ông Tuấn quy định về thời hạn tạm trú với khách du lịch quốc tế cũng chưa hợp lý. Hiện thời hạn tạm trú của người nước ngoài nhập cảnh với thị thực có ký hiệu DL (du lịch) là tối đa 30 ngày. Như vậy, cho dù du khách du lịch có xin được thị thực thời hạn là 3 tháng, thì họ cũng chỉ được tạm trú liên tục trên Việt Nam là 30 ngày.
"Chính sách cấp thị thực nhập cảnh hiện nay đã làm giảm tính cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam so với các nước ASEAN. Ngoài ra, việc giới hạn thời gian tạm trú cũng đã đánh mất cơ hội thu hút khách du lịch tới Việt Nam", ông Tuấn thẳng thắn nêu quan điểm.
Xác định Thái Lan là "đối thủ" trực tiếp cạnh tranh của du lịch Việt Nam, song Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh thừa nhận, các chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam đang bị chậm hơn so với nước bạn cũng như các thị trường trong khu vực.
Cụ thể, Thái Lan luôn có những chính sách nhanh chóng, quyết liệt và rất kịp thời. Từ 1/7/2021, Thái Lan đã khởi động lại du lịch bằng việc mở cửa ở Phuket. Trong khi đó, đến tận tháng 11/2021, Việt Nam mới triển khai chương trình thí điểm đón khách quốc tế, tức là chậm hơn nước bạn 4 tháng.
"Các chính sách của Thái Lan cũng liên tục được thay đổi để thu hút khách, cạnh tranh tối đa với các thị trường trong khu vực. Hiện nay, họ cũng vừa tuyên bố mở cửa đón khách quốc tế mà không cần phải test nhanh Covid-19.
Chúng tôi nhận được nhiều phản hồi cho rằng ngành du lịch Việt Nam mở cửa còn rụt rè nhưng thực tế du lịch đã rất quyết liệt và cố gắng. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực vì thế để tạo được sự bứt phá cần sự vào cuộc, chung tay của các bên liên quan", ông Khánh nói.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng cho rằng, đến thời điểm này doanh nghiệp và ngành du lịch đã sẵn sàng. Thời gian tới, ông hy vọng các cấp, ban ngành sẽ có những chính sách quyết liệt, hỗ trợ du lịch rút ngắn giai đoạn phục hồi bước vào giai đoạn phát triển, bứt phá. Trước đó, việc miễn thị thực với thời gian lưu trú tới 30 ngày cũng là đề xuất của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia.
Theo đánh giá, việc miễn thị thực 30 ngày sẽ làm tăng cơ hội hút khách đến Việt Nam. Nhiều khách du lịch ở các quốc gia châu Âu, họ có đặc tính du lịch xa, dài khoảng 16-21 ngày, nếu thời gian miễn thị thực thấp, sẽ gây khó cho du khách, làm giảm sức hút của du lịch Việt so với các thị trường lân cận.
"Thời hạn lưu trú cần tăng lên 30-45 ngày. Càng kéo dài thời gian lưu trú của khách càng giúp du lịch thu được nhiều ngoại tệ tại chỗ. Đồng thời, cho phép khách được phép nhập cảnh nhiều lần trong một chuyến du lịch.
Với quy định bây giờ, du khách ra khỏi Việt Nam sang các nước lân cận không quay lại Việt Nam được nữa. Quy định này vô hiệu hóa khả năng biến Việt Nam thành một trung tâm hàng không và du lịch đường dài", TS Lương Hoài Nam nêu quan điểm tại Hội nghị Triển khai mở cửa du lịch quốc tế do Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 15/3 vừa qua.