Giá vé máy bay tăng: DN lữ hành lo ngại!

(Dân trí) - Chiều ngày 26/3, Hãng hàng không Vietnam Airlines đã có văn bản thông báo cho các đại lý về việc tăng giá trần vé máy bay từ ngày 1/4. Sự việc khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành lo lắng trong bối cảnh thị trường du lịch vẫn ảm đạm.

Lo ngại “găm vé”

Anh Nguyễn Trung Đức, Công ty Du lịch Hoàng Long nghi ngờ rằng, lượng vé kích cầu sẽ không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và khách hàng. “Lượng vé dành cho các doanh nghiệp du lịch cũng rất giới hạn, trong khi đó nhu cầu lại quá lớn”, anh Đức nói.

Các doanh nghiệp lữ hành lo ngại tình trạng tăng vé của các hãng hàng không
Các doanh nghiệp lữ hành lo ngại tình trạng tăng vé của các hãng hàng không

Đơn cử một đoàn của doanh nghiệp trung bình cũng phải 50 khách cũng đã chiếm 1/3 máy bay rồi còn đâu mà ưu đãi doanh nghiệp khác. Kể cả VNA có ưu đãi cũng không đủ. Mà có ưu đãi chỉ có những “ông lớn” mới được ưu đãi này.

Một ví dụ điển hình là có những hãng hàng không một ngày chỉ có một chuyến đi Thái Lan mà phía Bắc có hàng chục doanh nghiệp bán tour giá rẻ kèm theo dịch vụ của hãng này. Nếu hãng có ưu đãi thì cũng không thể đủ.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Sơn Hoài, Giám đốc Công ty Du lịch Bùi Gia thì việc tăng giá vé trần máy bay, sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến giá tour mà các doanh nghiệp đang bán ra, nếu trường hợp tour đi máy bay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi,thông thường, giá vé máy bay sẽ chiếm từ 30 - 70% giá của một tour du lịch. Nếu giá vé máy bay tăng lên thì sẽ đẩy giá tour lên cao.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hoài trong trường hợp có khách đoàn, thì doanh nghiệp vẫn có giá tốt vì trừ lúc cao điểm, doanh nghiệp có thể được ưu đãi giá tốt hơn. Và bao giờ doanh nghiệp du lịch cũng cố gắng lấy vé giá tốt hơn.

Ví dụ giá vé cao điểm từ Hà Nội vào Sài gòn có thể lên tới 3. 037.000 đồng/vé, nhưng doanh nghiệp vẫn có thể đặt được từ 1 triệu đến hơn 2 triệu/vé hoặc ngược lại. Trong khi đó, các doanh nghiệp lữ hành thưởng phải booking vé đoàn và có kế hoạch nên giá cũng tương đối tốt.

Thị trường nội địa gặp khó…

Theo công văn của VNA gửi các đại lý, ngoại trừ chặng bay dưới 500km vẫn giữ nguyên giá trần 1,7 triệu đồng/vé còn lại các chặng bay trên 500km đều tăng giá.

Theo đó, chặng 500km đến 850km giá trần tăng từ 1,94 triệu/vé lên 2,25 triệu đồng, từ 850 đến 1000 km từ 2,58 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng, 1000 – 1280 km tăng từ 2,72 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng. Từ 1280 km trở lên tăng từ 3,43 triệu đồng lên 4 triệu đồng.

Với mức giá này các chặng bay từ TP HCM – Hà Nội, Vinh, Hải Phòng hay từ Hà Nội – Nha Trang, Phú Quốc, Ban Mê thuột có thể tăng gần 1 triệu đồng/vé so với trước.

Trước bối cảnh này nhiều doanh nghiệp lữ hành lo ngại rất có thể đại lý vin cớ này sẽ đẩy danh sách ảo với chiêu trò “găm vé” rằng không còn hạng vé phổ thông, chỉ còn hạng thương gia. Điều này ảnh hưởng đến giá tour rất nhiều. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lớn có lượng khách ổn định thì việc giữ giá có phần ổn định hơn. Chị Phạm Thanh Tâm, Trưởng phòng Nội địa, Công ty Du lịch Vietrantour cho biết, nếu có tăng giá có thể từ nay đến tháng 10, Viettrantour sẽ không tăng giá tour.

Có thể nói hiện nay, nhu cầu khách đã giảm, các công ty du lịch đã phải giảm giá để kích thích nhu cầu. Mặt khác, các tour nội địa sẽ còn phải cạnh tranh với các tour du lịch quốc tế, bởi lẽ hiện nay các tour quốc tế không tăng giá.

Theo các doanh nghiệp lữ hành, cấu thành một tour du lịch trong nước bằng máy bay có thể bằng hoặc cao hơn tour du lịch nước ngoài. Như vậy, khách đi du lịch nội địa bình thường đã không tăng được lên, mà còn bị chia sẻ sang các tour du lịch quốc tế.

Trong lúc kinh tế khó khăn, nhu cầu du lịch của người dân đã giảm đi nhiều. Nếu giá tour tăng cao thì phát triển du lịch lại càng khó khăn hơn. Lượng khách sẽ giảm đi khá nhiều. Điều này, trái ngược với những gì mà ngành du lịch đang cố gắng trong nỗ lực kích cầu nội địa.

Bài, ảnh: Minh Phan