Đường sắt làm du lịch: Tiềm năng lớn nhưng còn nhiều câu hỏi "bỏ ngỏ"

(Dân trí) - Ngành đường sắt Việt Nam vừa có những đột phá khi bắt đầu thử nghiệm đưa đường sắt vào phục vụ du lịch. Đường sắt lợi thế khi đáp ứng các điều kiện “đủ” như toa tàu sang trọng, nhân viên chuyên nghiệp, ẩm thực phong phú… nhưng bên cạnh đó vẫn còn thiếu những điều kiện “cần”.

Để làm du lịch, ngành đường sắt cẩn phải điều chỉnh nhiều từ cơ sở vật chất, nhân lực, cũng như cách thức vận hành việc bán và phân phối vé.
Để làm du lịch, ngành đường sắt cẩn phải điều chỉnh nhiều từ cơ sở vật chất, nhân lực, cũng như cách thức vận hành việc bán và phân phối vé.

Tiềm năng hiện tại

“Tôi đi tàu Trung Quốc hay tàu Tây Ban Nha thì tàu của mình cũng không thua gì. Tiện nghi các toa tàu của ngành đường sắt hiện nay rất tốt. Đội ngũ nhân viên phục vụ khá chuẩn. Gặp chúng tôi họ cười tươi và nhìn với ánh mắt thân thiện xem khách hàng có cần sự hỗ trợ gì hay không…Tôi thật sự ấn tượng”, ông Nguyễn Văn Tấn đại diện đơn vị lữ hành, hội viên Hiệp hội du lịch TPHCM cho biết.

Ông Nguyễn Văn Tấn cho rằng tiềm năng và lợi thế làm du lịch của đường sắt là rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Tấn cho rằng tiềm năng và lợi thế làm du lịch của đường sắt là rất lớn.

Thuận lợi với cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự là như thế nhưng để phục vụ du lịch, ngành đường sắt còn phải điều chỉnh rất nhiều trong cách vận hành.

Như cách nói của giám đốc một đơn vị lữ hành: “Cái khó lớn nhất của doanh nghiệp lữ hành khi mở tour đường sắt đó là: kế hoạch tàu chạy và giá vé tàu ra rất chậm chỉ lên kế hoạch trước 1 tháng đến 1,5 tháng nhưng du lịch đoàn số lượng khách đông thường ký hợp đồng trước 2 - 3 tháng, khi giá tàu tăng giá vé sẽ gây khó trong vấn đề điều chỉnh giá tour với khách. Đường sắt không ký hợp đồng với lữ hành khi chưa có giá vé mới", chị Huyền Trân GĐ đơn vị lữ hành Tân Đại Quang chia sẻ.

Ngành đường sắt cần có những chính sách thoải mái hơn trong việc phân phối vé. Có được sự ổn định về vé, các đơn vị làm tour sẽ thuận tiện hơn trong việc đưa sản phẩm đến tay của du khách.
Ngành đường sắt cần có những chính sách thoải mái hơn trong việc phân phối vé. Có được sự ổn định về vé, các đơn vị làm tour sẽ thuận tiện hơn trong việc đưa sản phẩm đến tay của du khách.

Bên cạnh đó, nhiều điều hành tour nhận định: “Hiện tại, đường sắt đang là phương tiện di chuyển mang tính an toàn cao. Đường sắt có những chuyến tàu khởi hành vào ban đêm nên khách có thời gian nghỉ ngơi và tiết kiệm được thời gian di chuyển. Du khách có thể ngắm nhìn phong cảnh qua ô cửa sổ một cách bao quát nhất và cũng là một trải nghiệm thú vị cho những khách chưa từng tham gia loại hình phương tiện này. Đây cũng là phương tiện di chuyển có chi phí tương đối phù hợp”.

Phương tiện đường sắt có lợi thế là tính an toàn cao, giờ chạy đúng và ổn định.
Phương tiện đường sắt có lợi thế là tính an toàn cao, giờ chạy đúng và ổn định.

Nhưng như thế vẫn còn chưa đủ, vẫn còn đó chất lượng vệ sinh, cần sắp xếp bộ phận chuyên lo về vệ sinh trên toa tàu, vẫn còn đó dịch vụ ăn uống tuy phong phú nhưng chưa có sự đa dạng… Vẫn còn đó việc đầu tư thêm những toa tàu chuyên phục vụ khách du lịch.

Câu chuyện lưu toa

Vừa qua, Hiệp hội Du lịch TPHCM vừa có chuyến di chuyển bằng đường sắt theo hình thức khảo sát du lịch. Lộ trình từ TPHCM đến Ga Hàng Cỏ, TP Hà Nội. Các thành viên trong đoàn đều khá hài lòng với việc tuân thủ đúng giờ nghiêm ngặt và đây cũng là lợi thế của ngành đường sắt. Đoàn đã có hành trình 36 giờ đầy thú vị.

Vấn đề ở đây chính là việc nếu đi đoạn ngắn, đường sắt có thể lưu toa tại ga và cho du khách xuống tham quan các điểm đến. Nhưng nếu đi chuyển suốt 36 giờ thì lại là câu chuyện khác.

Bà Nguyễn Thị Khánh, PCT Hiệp hội du lịch TPHCM (Người mặc áo dài hoa) đang nghe lãnh đạo đường sắt Hà Nội thông tin các hạng mục ngành đang có.
Bà Nguyễn Thị Khánh, PCT Hiệp hội du lịch TPHCM (Người mặc áo dài hoa) đang nghe lãnh đạo đường sắt Hà Nội thông tin các hạng mục ngành đang có.

Hiện nay trên các toa tàu vẫn chưa được trang bị phòng tắm, các phương tiện vệ sinh chỉ đáp ứng ở mức cơ bản. Chính vì thế, di chuyển trong suốt 36 giờ và không có điều kiện tắm rửa thì du khách khó chấp nhận. Đối với dân phượt có khả năng thích nghi cao thì có thể chấp nhận được, nhưng với đối tượng khách hạng sao thì phải tính toán thật kỹ.

Đối với người chuyên đi du lịch thì có thể thích nghi với việc 36 giờ di chuyển liên tục, nhưng với khách du lịch hạng sao thì hơi khó.
Đối với người chuyên đi du lịch thì có thể thích nghi với việc 36 giờ di chuyển liên tục, nhưng với khách du lịch hạng sao thì hơi khó.

Mặt khác, việc dành riêng toa cho khách du lịch là việc tối quan trọng. Thứ nhất, các toa này có thể cắt đoàn và lưu ga tại điểm đến cho du khách xuống tham quan. Thứ hai, tránh việc luân chuyển hành lý phát sinh thêm nhân lực và chưa nói đến chuyện thất lạc.

Thứ ba, nên đào tạo chuyên biệt cho đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên cho toa và đầu tư tập trung các hạng mục nội thất khác với toa khách vận chuyển… là những vấn đề ngành đường sắt cần điều chỉnh nếu phục vụ du lịch.

Dành riêng toa phục vụ du lịch là điều kiện quan trọng để ngành đường sắt có thể làm du lịch tốt.
Dành riêng toa phục vụ du lịch là điều kiện quan trọng để ngành đường sắt có thể làm du lịch tốt.

“Việc di chuyển tuyến đường dài Nam - Bắc du khách có khá nhiều thời gian trải nghiệm và tham quan. Hiện trên toa có quá ít các hạng mục giải trí, trải nghiệm… thay vào đó chúng tôi thường nằm ngủ. Đây chính là điểm ngành đường sắt lưu ý đưa vào các dịch vụ như: Ẩm thực, ca hát, đội nhóm, giải trí bằng công nghệ… Có như vậy, chặng đường 36 tiếng sẽ trở nên vô cùng thú vị, một hội viên Hiệp hội Du lịch TPHCM chia sẻ.

Trên các toa tàu cần thiết kế nhiều hơn các hoạt động sinh hoạt, vui chơi, giải trí...trong các tour du lịch nhằm kích thích du khách trải nghiệm.
Trên các toa tàu cần thiết kế nhiều hơn các hoạt động sinh hoạt, vui chơi, giải trí...trong các tour du lịch nhằm kích thích du khách trải nghiệm.

Phạm Nguyễn