Du lịch Việt Nam tăng trưởng kém cả Lào, Philippines và Myanmar
(Dân trí) - Tổng cục Du lịch Việt Nam vừa đưa ra con số thống kê cho biết, tốc độ tăng trưởng trung bình của du lịch Việt Nam hiện đang thấp hơn so với Philippines (8%), Lào (15%) và Myanmar (51%).
Theo số liệu của Viện nghiên cứu phát triển Du lịch Việt Nam, hiện du lịch Việt Nam đang đứng thứ 5 trong các nước ASEAN về số lượng khách du lịch quốc tế đến với 7,94 triệu lượt năm. Con số này chỉ bằng 27% số lượng khách của Thái Lan (29,88 triệu), bằng 31% so với Malaysia (25,70 triệu), 52% so với Singapore (15,23 triệu).
Trong khi Thái Lan và Singapore có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2011-2015 trung bình lần lượt 12%/năm và 10%/năm thì Việt Nam tăng trưởng chậm hơn chỉ đạt khoảng trung bình 7%/năm.
Đặc biệt, so với các nước thuộc nhóm dưới, Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng trung bình thấp hơn so với Philippines (8%), Lào (15%) và Myanmar (51%).
TCDL cho rằng, với thực tế hiện nay, Việt Nam khó có thể đuổi kịp chỉ tiêu về số lượng khách du lịch so với nhóm các nước đứng đầu.
Nhìn từ các chỉ số năng lực cạnh tranh, có thể thấy Việt Nam chưa quan tâm phát triển du lịch khi chỉ số về Chính sách du lịch và điều kiện hỗ trợ thực thi chính sách, đặc biệt là chỉ số mức độ ưu tiên phát triển du lịch xếp hạng thấp nhất trong các nước ASEAN, trong khi xếp hạng các yếu tố liên quan khác vẫn còn nhiều hạn chế.
Đối với các nước nhóm thấp hơn, sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Lào, Campuchia và Myanamar trong thời gian vừa qua do sự mở cửa và đầu tư mạnh mẽ, thực chất cho ngành du lịch. Du lịch Campuchia và Myanmar được quản lý và định hướng bởi Bộ chuyên ngành du lịch riêng và được đầu tư mạnh mẽ. Đối với Lào, sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa Lào với Việt Nam và Thái Lan đã đóng góp số lượng khách quan trọng (75%) cho du lịch Lào.
“Mặc dù năng lực cạnh tranh tổng thể của các nước này còn thấp, tuy nhiên nếu Việt Nam không thực sự quan tâm đến phát triển du lịch thì số lượng khách du lịch đến Campuchia, Lào và Myanmar có thể ngày càng rút ngắn khoảng cách đối với Việt Nam”, cơ quan này cho hay.
Khả năng đuổi kịp các nước này chỉ có thể đặt ra khi Việt Nam thực sự quan tâm đến ngành du lịch. Trong khi các nước khác đã đạt trình độ phát triển cao hơn, lại quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn cả về cơ chế và nguồn lực thì du lịch Việt Nam khó có thể đuổi kịp.
Hữu Thắng