Du lịch Việt Nam đứng ở đâu?

Năm 2012 Việt nam đã đón 6,8 triệu lượt khách quốc tế và 32,5 triệu lượt khách nội địa.

Theo tổng cục du lịch, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ và Tây Âu, những thị trường du lịch quan trọng của Việt Nam, vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau suy thoái thì việc lượng khách quốc tế tăng 13,9% so với năm 2011 là điều đáng mừng. Lượng khách nội địa khá cao trong tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn cũng cho thấy ngành du lịch đã chú trọng khai thác phân khúc này hơn trước.

 

Tuy được đánh giá là một năm thành công ngoài mong đợi, nhưng khi so với các nước trong khu vực, thành công này của ngành du lịch Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Malaysia, chẳng hạn, đã đón 25 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2012, đứng thứ 10 thế giới và thứ hai châu Á - Thái bình dương về lượt khách quốc tế. Hay Thái Lan cũng đã đón đến 22,3 triệu lượt khách quốc tế.

 

Theo báo cáo đầu năm nay của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về tính cạnh tranh của 140 nước khai thác du lịch, Việt Nam xếp hạng 80. Năm 2011 Việt Nam xếp hạng 80/139 nước, nghĩa là thứ hạng vẫn không thay đổi.

 

Mỗi 2 năm, WEF lại đánh giá các nước theo chỉ số cạnh tranh trong ngành lữ hành và du lịch. Các tiêu chí xếp hạng là khung luật lệ của nước sở tại, môi trường hoạt động kinh tế, cơ sở hạ tầng, các yếu tố về nhân sự, thiên nhiên, văn hóa, an ninh trật tự, điều kiện vệ sinh, y tế, phương tiện chuyên chở bằng đường hàng không, đường thủy, đường bộ, giá cả.

 

Du lịch Việt Nam đứng ở đâu?



Trong bảng xếp hạng năm 2013, Thụy sĩ, Đức và Áo đứng đầu, theo sau là Tây Ban Nha, Anh, Mỹ, Pháp, Canada, Thụy Điển. Singapore xếp thứ 10, là nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương duy nhất lọt vào top 10.

 

Trong khối ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á), Malaysia được đánh giá cao nhất, xếp thứ 35; Thái Lan đứng thứ 43, tụt 2 bậc so với năm 2011 do tình hình chính trị bất ổn; Indonesia xếp thứ 70, tăng 4 bậc. Philippines xếp hạng 82, tăng 12 bậc; Campuchia đứng thứ 106, tăng 3 bậc. Như vậy, ngoại trừ Thái Lan bị xuống hạng, Việt Nam vẫn giữ vị trí cũ, các nước ASEAN khác đều được thăng hạng.

 

Singapore, tuy có giá thuê phòng khách sạn đắt đỏ và thuế cao nhưng lại có thế mạnh về cơ sở hạ tầng và tiện nghi chuyên chở, guồng máy hành chính vận hành trơn tru, an ninh và vệ sinh tốt. Đặc biệt, Singapore đứng hạng nhất về nhân lực và các chính sách liên quan đến phát triển lữ hành và du lịch.

 

Thái Lan được đánh giá cao về thái độ thân thiện của người dân, các chiến dịch marketing hiệu quả, giá cả khá cạnh tranh nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần được khắc phục như các quy định, luật lệ liên quan chưa đặc biệt thuận lợi để phát triển lữ hành và du lịch, cũng như công tác bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch.

 

Indonesia được đánh giá rất cao về cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh vật phong phú. Quần đảo này có truyền thống văn hóa đặc sắc với 10 di sản văn hóa thế giới, giá cả có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nước này chưa được phát triển tốt, đặc biệt là giao thông đường bộ và cơ sở vật chất phục vụ du lịch. An ninh và nguy cơ khủng bố cũng là một vấn đề cần quan tâm và Indonesia cũng chưa đảm bảo bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch (xếp thứ 125/140 nước).

 

Philippines được đánh giá là tiến nhanh nhất trong khu vực do được Nhà Nước dành nhiều ưu tiên và kinh phí cho phát triển du lịch như cơ chế thoáng cho đầu tư nước ngoài, miễn visa cho nhiều nước… Các chiến dịch marketing, xây dựng thương hiệu của quần đảo này được đánh giá là rất hiệu quả, nhưng y tế và vệ sinh thì chưa xứng tầm và cơ sở giao thông đường bộ chưa phát triển.

 

Việt Nam có truyền thống văn hóa đặc sắc (xếp thứ 28/140 nước) với nhiều di sản văn hóa thế giới, nhiều hoạt động triển lãm, hội chợ quốc tế được tổ chức hằng năm. Một thế mạnh nữa của Việt Nam là thiên nhiên, được xếp thứ 25/140 nước về thắng cảnh, hệ sinh vật đa dạng; giá cả cũng có tính cạnh tranh cao (hạng 18).

 

Theo các chuyên gia WEF, để tăng tính cạnh tranh, Việt Nam cần phát triển hơn nữa hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ (xếp hạng 98), cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch (hạng 112), chú trọng bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch (hạng 128). Những vấn đề này có thể được giải quyết nếu được Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn.

 

Rõ ràng, du lịch Việt Nam còn nhiều việc phải làm để có thể bắt kịp các nước trong khu vực. Bởi lẽ, đối với du khách, các yếu tố như môi trường, điều kiện vệ sinh, y tế, phương tiện vận chuyển… cũng quan trọng chẳng kém gì thắng cảnh hay ẩm thực.

 

Theo NCĐT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm