Du lịch theo xu hướng ưu tiên tiêu tiền cho những nơi cần nhất
(Dân trí) - “Hiểu biết trở thành loại tiền tệ mới và nguồn động lực tích cực, khi ta coi du lịch như món quà dành cho những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch”.
Chỉ cần nhìn vào số liệu về du lịch châu Á - Thái Bình Dương đã có thể thấy rõ vai trò của du lịch.
Theo Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới, du lịch và lữ hành đóng góp 9,8% cho nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2019. Riêng tại Trung Quốc lĩnh vực này hỗ trợ cho gần 80 triệu việc làm.
Trong 5 năm qua du lịch và lữ hành đã tạo ra hơn 21 triệu việc làm cho khu vực. Trong đó Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia và Philippines dẫn đầu về GDP và quy mô việc làm.
Ý tưởng “tặng món quà du lịch” được một số chuyên gia du lịch chia sẻ khi đề cập tới xu hướng du lịch thời hậu Covid-19. Nói cách khác là nên ưu tiên tiêu tiền cho những nơi cần nhất.
Theo ông GlenFogelel, CEO hãng lữ hành trực tuyến Booking Holdings, làm vậy “chúng ta có thể trở thành những du khách có trách nhiệm hơn và tiếp tục trải nghiệm thế giới theo cách thận trọng hơn”.
Ông Sam Bruce, người đồng sáng lập và là Giám đốc hãng Much Better Adventures, nhấn mạnh: Việc người dân đi du lịch trở lại có ý nghĩa rất thiết thực với hàng triệu người làm trong các lĩnh vực liên quan tới du lịch đã bị dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề.
Kết quả một nghiên cứu của hãng Much Better Adventures với hơn 18 ngàn người trên toàn cầu tham gia giai đoạn từ tháng 2-3/2019 cho thấy, 68% muốn số tiền họ chi cho du lịch “quay trở lại với cộng đồng địa phương”.
Cũng theo nghiên cứu này, đa số người đi du lịch sẽ có ý thức hơn về việc hướng dòng chảy của chi phí du lịch vào đóng góp trực tiếp, giúp xây dựng lại nền kinh tế địa phương tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19.
Nhìn chung cho tới nay, du lịch kiểu đại trà điển hình (đi xe khách, nghỉ dưỡng trọn gói hoặc theo gói du lịch bằng tàu biển) đến những quốc gia đang phát triển, theo Liên Hợp Quốc, chỉ đạt mức trung bình 5 trên mỗi 10 USD “rót” vào nền kinh tế địa phương.
Trong tình hình hiện tại, ông Bruce nêu rõ, cần làm sao để đạt mục tiêu: 80 từ mỗi 100 USD chi phí cho du lịch được chi tiêu tại địa phương. Muốn vậy du khách cần ưu tiên đặt hàng các chuyến đi với những hãng điều hành du lịch nhỏ không chỉ tôn trọng hệ sinh thái, mà còn tích cực bảo vệ và “nuôi dưỡng” các điểm đến.
Muốn vậy, du khách cũng nên tìm hiểu trước về những thách thức mà điểm đến mình lựa chọn đang phải đối phó, để có thể hỗ trợ chủ động và tích cực hơn bằng cách dành thêm thời gian và tiền bạc cho địa phương.
Và để đảm bảo tiền đến tay những người cần nhất, các chuyên gia khuyên du khách hãy sử dụng nhiều hơn các doanh nghiệp, hãng điều hành và hướng dẫn viên địa phương. Sau đó thông qua mạng xã hội lôi cuốn thêm nhiều người khác cùng tới điểm đến đó.
Cũng về vấn đề này, ông Tim Williamson - Giám đốc dịch vụ khách hàng của hãng lữ hành Responsibl Travelel - chia sẻ thêm:
“Khi các biên giới được mở, các liên kết giao thông được nối lại và chính quyền các nơi dỡ bỏ hạn chế đi lại thì du lịch sẽ an toàn. Nhưng bạn cần cân nhắc xem cơ sở hạ tầng của điểm đến bạn chọn và tác động của bạn khi tới đó sẽ ra sao? Họ có thể ứng phó được không và họ đã muốn đón du khách chưa? Tóm lại, vấn đề làm làm sao để chọn điểm đến của bạn theo cách có trách nhiệm nhất”.
Tất nhiên để được như vậy, ông Williamson nói, cần tạm thời chưa tính tới các kỳ nghỉ hoành tráng trên tàu biển hoặc liên quan tới các chuỗi khách sạn lớn, hoặc các kỳ nghỉ trọn gói vốn có xu hướng chi tiêu ít hơn cho các cơ sở dịch vụ địa phương.
Một quyết định tích cực khác là ưu tiên chọn các điểm đến còn ít du khách tới thăm. “Du lịch có thể giúp hồi phục những nơi và những cộng đồng cần nó nhất, nhưng những điểm đến xa xôi thực sự cần loại hình phù hợp”.
Bởi những điểm đến thuộc “vùng sâu, vùng xa” có thể chưa được chuẩn bị đón lượng lớn du khách, do vậy các chuỗi khách sạn nhà hàng và hãng điều hành lớn vẫn có thể nhảy vào khai thác nhanh, khiến các cộng đồng địa phương càng dễ bị tổn thương - ông Bruce phân tích…
Linh Lê
Theo SCMP