Du lịch làng nghề Hà Nội: Vì sao gà chưa đẻ trứng vàng?

Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước, tuy nhiên, loại hình du lịch này hiện vẫn còn tự phát, chưa hấp dẫn du khách.

Hà Nội hiện có khoảng 1300 làng có nghề, trong đó gần 300 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống, với nhiều loại hình nghề nghiệp như gốm sứ, sơn mài, đúc đồng, mây tre đan, khảm trai, đồ gỗ mỹ nghệ…

 

Đến nay, Hà Nội đã hình thành một số làng nghề phục vụ du lịch như: làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm) và làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông)… mỗi năm thu hút hàng chục nghìn khách tham quan trong và ngoài nước. Còn nhiều làng nghề khác, dù đã được đặt biển "điểm du lịch làng nghề" như mây tre đan Phú Vinh, thêu Quất Động... nhưng hầu như chẳng mấy khi khách du lịch ghé thăm. Chất lượng dịch vụ ở các làng nghề du lịch chưa thực sự làm du khách hài lòng.

 

Du khách tham gia vuốt, nặn gốm tại Bát Tràng
Du khách tham gia vuốt, nặn gốm tại Bát Tràng



Một số ý kiến cho rằng, nhà vệ sinh cho khách du lịch còn quá thiếu và hầu như không có. Sản phẩm các làng nghề và dịch vụ khi khách đến du lịch đang còn nghèo nàn, chưa hấp dẫn. Tại các điểm du lịch làng nghề Hà Nội còn thiếu các điểm dừng nghỉ chân cho khách. Những khách không đi thành đoàn thì hầu như phải tự tham quan, tìm hiểu vì ở các làng nghề không có hướng dẫn viên để hướng dẫn khách.

 

Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội thừa nhận, hầu hết các làng nghề chưa khai thác được lợi thế không gian truyền thống, các giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời để phát triển du lịch. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch ở làng nghề còn yếu và thiếu.

 

“Các làng nghề tương đối xa trung tâm, hệ thống đường giao thông tiếp cận được vào các làng nghề thì còn nhiều bất cập. Nhiều hoạt động sản xuất của làng nghề chưa đạt tiêu chí về môi trường, sản phẩm làng nghề để làm quà tặng, hàng lưu niệm có nhưng đơn điệu, từ bao nhiêu năm nay vẫn như thế và nó chưa hoàn toàn trúng với thị hiếu của khách du lịch” – ông Mai Tiến Dũng cho biết.

 

Nặn tò he ở Hà Nội
Nặn tò he ở Hà Nội



Có thể thấy, du lịch làng nghề của Hà Nội còn manh mún, chưa được quy hoạch đồng bộ. Nhiều làng nghề không giữ được nguyên vẹn giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, trong khi đây chính là thứ rất hấp dẫn khách du lịch quốc tế muốn trải nghiệm, khám phá nét đẹp văn hóa lâu đời của mảnh đất, con người Thăng Long - Hà Nội.

 

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết: “Ngay Bát Tràng, Vạn Phúc bắt đầu lộn xộn, tình trạng đô thị hóa quá nhanh. Những làng nghề đáng nhẽ phải để nguyên vẹn giá trị của nó, ví dụ như dòng lịch sử đình, chùa miếu mạo, nhà thờ… thì lại phá. Thứ hai là khách muốn xem tay nghề của nghệ nhân, thế hệ kế tiếp nhau cha truyền con nối như thế nào mà cũng lại không có”.

 

Hiện làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc đã được các Công ty lữ hành đưa vào hành trình tour, nhưng cũng chỉ khai thác được những giá trị “bề nổi”. Khách du lịch đến làng nghề mới chỉ tham quan, ngắm nghía mà chưa chọn làng nghề làm một tour du lịch trải nghiệm.

 

Lý giải điều này, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty du lịch Hanoi Red Tours cho rằng, ngoài cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập thì sự phối hợp giữa địa phương có làng nghề với các công ty du lịch trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch chưa chặt chẽ và hiệu quả. Người dân tại các làng nghề chưa có kỹ năng làm du lịch, chưa ý thức hết được giá trị của du lịch đem lại cho cuộc sống của họ. Đặc biệt, việc phát huy vai trò của các nghệ nhân, các gia đình được chọn làm điểm giao lưu, cùng du khách trải nghiệm làng nghề chưa được quan tâm đúng mức.

 

Phát triển du lịch làng nghề là hướng đi đúng để bảo tồn và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, thực tế cho thấy du lịch làng nghề Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, cần có những giải pháp cụ thể, khả thi để thúc đẩy du lịch làng nghề của Thủ đô Hà Nội phát triển./.

 

Theo Hồng Bắc

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm