Du lịch Hà Nội vẫn loanh quanh với “cơm tối – rối nước”
(Dân trí) - Chính sách phát triển du lịch của Hà Nội vẫn nửa vời, không tập trung đến phát triển sản phẩm, ỷ lại vài tài nguyên sẵn có khiến bao năm nay khách đến Hà Nội vẫn chỉ loanh quanh “cơm tối rối nước”.
Từ lâu lắm rồi, du khách đến Hà Nội vẫn chỉ loanh quanh với các điểm tham quan cũ mèm. Ngoài việc đi tham quan phố cổ, xem rối nước, thăm bảo tàng, du khách đến Hà Nội chẳng biết chơi gì. Mặc dù là trung tâm văn hóa hàng đầu của Việt Nam nhưng bấy lâu nay sản phẩm du lịch của Hà Nội vẫn kém hấp dẫn.
Theo ước tính, có tới 40% số du khách xuống sân bay chỉ ghé qua Hà Nội rồi đến các điểm du lịch khác, không lưu trú tại Hà Nội.
Một thực tế khó phủ nhận rằng, Hà Nội đang ôm trọn trong mình một kho tàng văn hóa cùng với những cảnh quan không đâu có được nhưng những lợi thế đó vẫn chưa được khai thác, tận dụng triệt để.
Những di sản mà nhiều thế hệ đất kinh kỳ để lại cho Hà Nội ngày nay thật vô cùng đa dạng, phong phú. Trước hết phải kể đến hàng chục ngàn di tích văn hoá lịch sử quý giá gắn liền với những hoạt động sáng tạo và nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân Hà Thành suốt hơn một nghìn năm qua. Những nếp chùa, ngôi đình, đạo quán, nghè, miếu, phủ, đền thờ trong khắp đất kinh thành đã phản ánh một đời sống tâm linh đa dạng, phong phú và đặc sắc. Gắn liền với những danh lam thắng cảnh trong đất Hà thành này là một hệ thống các lễ hội dân gian mà hạt nhân ban đầu, nền tảng là các lễ hội nông nghiệp cầu mùa.
Cùng với đó, nhắc đến các di sản văn hóa, không thể không kể đến di sản văn hoá thành văn của Hà Nội. Hà Nội là nơi lưu giữ và phục vụ một khối lượng di sản văn hoá thành văn đa dạng, phong phú và khổng lồ.. Những di sản văn hoá Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội là những giá trị vật chất và tinh thần tinh tuý, đặc sắc nhất mà biết bao nhiêu thế hệ người dân Hà Nội sáng tạo ra và đã được thời gian thẩm định, kiểm chứng. Thế nhưng đáng tiếc, cho đến nay ngành du lịch Hà Nội chưa biết khai thác và biến những thứ đó thành sản phẩm du lịch độc đáo. Vừa để mang lại lợi ích kinh tế vừa giới thiệu quảng bá nét văn hóa quý giá đó tới bạn bè năm châu.
Một vài năm về trước, tại Hà Nội một số công ty lữ hành cũng khai thác tour tuyến đưa khách du lịch tham quan các làng nghề truyền thống Hà Nội như lụa Vạn Phúc, làng Đồng Kị, song một vài năm những làng nghề này lại lâm vào cảnh đô thị hóa quá nhanh và chính vì lẽ đó các tour về làng nghề truyền thống cũng giảm dần và có nguy cơ bị đóng cửa.
Đến Hà Nội ngoài việc đi dạo phố cổ, xem rối nước, du khách chẳng biết làm gì. Dịch vụ chợ đêm Đồng Xuân được triển khai mấy năm qua, song hiệu quả lại không như mong muốn, những sản phẩm ở chợ đêm chủ yếu là “hàng chợ”, không mang nhiều nét đặc trưng của Hà Nội. Chính vì thế, từ lâu nay Hà Nội vẫn chỉ là điểm trung chuyển khách du lịch. Thời gian lưu trú của khách thường không quá 2 ngày vì ở đến ngày thứ 3 thì không biết vui chơi tại đâu?
Hà Nội hiện nay có cả hàng trăm các doanh nghiệp lữ hành lớn nhỏ, và rất nhiều khách sạn cao sao, song cũng từ lâu lắm rồi du lịch Hà Nội vẫn chưa có một sản phẩm du lịch nào gây ấn tượng đối với du khách khi đến với thủ đô. Thực tế là các sản phẩm du lịch Hà Nội khá cũ kỹ, ít có sự thay đổi để hấp dẫn du khách quốc tế nên lượng khách đến Hà Nội lưu trú dài ngày giảm hẳn.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội cho rằng,ngoài các khách tham dự hội nghị hội thảo ra, khách đến Hà Nội 2 – 3 ngày là chán vì không biết đi đâu, xem gì, ăn gì. Trong khi đó, giá khách sạn, phí tham quan các điểm đến ở Hà Nội liên tục đứng ở mức cao ngất ngưởng. Hiện nay việc làm tour cho khách lưu trú ở Hà Nội 2 đêm là khá khó khăn vì nhiều năm nay khách đến Hà Nội chỉ loanh quanh “cơm tối – rối nước” là chấm hết.
Hữu Thắng