Du lịch Đà Nẵng vươn tầm thế giới: Nhờ cảnh sắc hay nhờ sáng tạo?
(Dân trí) - Thương hiệu du lịch Việt Nam hiện đang đứng thứ 15 tại châu Á- một bước tiến dài sau hai thập kỷ được chú trọng đầu tư. Nhưng nếu hỏi vị trí này liệu đã xứng đáng với một quốc gia được thiên nhiên ưu đãi như nước ta chưa, câu trả lời chắc chắn là chưa.
Đáng ngạc nhiên hơn, trong bảng xếp hạng thương hiệu quốc gia của Bloom Consulting thì Việt Nam chỉ được xếp hạng BBB trong mục “Chiến lược du lịch Quốc gia” - tức là ở mức trung bình.
Nguyên nhân du lịch Việt Nam chưa có vị trí xứng đáng đã được các nhà nghiên cứu chỉ ra từ lâu: nước ta quá thiếu sản phẩm du lịch.
Thiếu sản phẩm, khách không mặn mà
Cả Quảng Ninh năm 2014, trong tổng số gần 1.000 cơ sở lưu trú du lịch, chỉ có vài khách sạn 4 sao và 2 khách sạn 5 sao là Royal Halong Hotel và Mường Thanh Quảng Ninh, tập trung nhiều ở Hạ Long. Du khách đến Quảng Ninh thì quá quen với nhịp điệu buồn tẻ là đi thuyền thăm Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, đảo Cô Tô, chùa Yên Tử… Cảnh sắc được ví như “Việt Nam thu nhỏ” của Quảng Ninh không đủ hấp dẫn để níu chân khách quá 2 ngày. Khách quốc tế chỉ tò mò đi cho biết vịnh di sản, khách trong nước cũng chẳng mặn mà vì có gì để chơi, để tiêu tiền ngoài tắm biển, ăn hải sản?
Con số khách đến Quảng Ninh năm 2014 là 7,5 triệu lượt, tổng doanh thu 5.500 tỷ đồng.
Thử nhìn những con số đó thay đổi như thế nào, từ khi Quảng Ninh xuất hiện những sản phẩm du lịch mới như Sun World Halong Complex, như khu vui chơi giải trí Quốc tế Tuần Châu hay Công viên Hà Lan… và những cao tốc, sân bay liên tục khánh thành đã rút ngắn đường đến vùng di sản.
Sun World Halong Complex
Năm 2018, du lịch Quảng Ninh đón 12,2 triệu lượt khách, tăng 24%; khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt, tăng 22,1% so với năm 2017. Chưa có khi nào, Quảng Ninh đón lượng khách gấp 10 lần dân số của tỉnh như thế. 6 tháng 2019, Quảng Ninh đón 8,55 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khách quốc tế 2,8 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ 2018.
Một ví dụ khác là Đà Nẵng. Gần 2 thập kỷ trước, Đà Nẵng buồn hiu hắt với những xóm nhà chồ nghèo nàn, chẳng có nhiều khách sạn, resort 5 sao, chẳng có công viên giải trí nào. Khu du lịch Bà Nà Hills khi đó cao điểm mỗi năm cũng chỉ đón khoảng vài ngàn lượt khách. Trong khi đó, xét về tiềm năng du lịch, cả nước không có địa phương nào được thiên nhiên ưu ái như Đà Nẵng.
Năm 2000, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng chưa đạt tới 500.000 người, đến tận 7 năm sau mới lần đầu chạm ngưỡng 1 triệu khách. Từ năm 2009 đến 2018, lượng khách tới Đà Nẵng tăng trưởng tới 463%. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về tổng thu du lịch trong 15 năm qua của Đà Nẵng là 25,5%. Với tỷ lệ này, Đà Nẵng đã góp phần giúp Việt Nam thường xuyên nằm trong top 10 điểm đến có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thập kỷ qua (năm 2017 đứng đầu khu vực châu Á).
InterContinental Danang Sun Peninsula Resort
Vị thế thay đổi nhờ sản phẩm sáng tạo
Những con số tăng trưởng ngoạn mục mà du lịch Đà Nẵng có được, theo các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp lữ hành, là bởi thành phố này biết cách tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo. Thậm chí, điều khiến Đà Nẵng trở thành một điểm đến quốc tế như hiện nay cũng nhờ những sản phẩm du lịch khiến thế giới nể phục.
InterContinental Danang Sun Peninsula Resort ở Bãi Bắc, Sơn Trà là một ví dụ. Khu nghỉ dưỡng này đã trở thành một biểu tượng của nghỉ dưỡng xa xỉ quốc tế, khi nhiều năm được vinh danh “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới” bởi World Travel Awards. Tên tuổi của Đà Nẵng trên bản đồ nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế được ngưỡng mộ, cũng bởi khu nghỉ dưỡng này.
Cầu Vàng
Cầu Vàng – một sản phẩm chỉ vừa mới ra mắt tháng 6/2018, nhưng đã giúp Đà Nẵng trở thành “Điểm phải đến trên thế giới năm 2018, 2019”. Du khách trong nước, quốc tế giờ đây tìm đến Đà Nẵng cũng bởi muốn tận mắt ngắm cây cầu có tạo hình độc đáo như một dải lụa được nâng đỡ bởi đôi bàn tay khổng lồ rêu phong.
Gần đây nhất, hồi tháng 6/2019, Đà Nẵng lại khiến du khách phát sốt với show nghệ thuật “Vũ hội Ánh Dương” tại Sun World Ba Na Hills. Được Sun Group đầu tư với kinh phí khủng 100 tỷ đồng, chưa kể 200 tỷ đồng xây dựng sân khấu, show diễn với quy mô hơn 230 diễn viên đến từ 17 quốc gia… đã trở thành lý do để du khách đổ bộ tới Bà Nà mùa hè này.
Biên đạo chính Hani Abaza của show Vũ hội Ánh Dương cho biết: “Đây là một thử thách hoàn toàn khác biệt. Chúng ta muốn vươn lên đẳng cấp quốc tế thì chúng ta cần phải tìm được một tiếng nói độc đáo theo cách quốc tế”.
Vũ hội Ánh dương
Đà Nẵng đang “nói tiếng nói đó”, với ngày càng nhiều những sản phẩm xứng tầm thế giới, như Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng (DIFF) chẳng hạn. Tiền thân là cuộc thi trình diễn Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng (DIFC) với chỉ 2 đêm, đến giờ, sau ba năm xã hội hóa và giao Tập đoàn tư nhân Sun Group tổ chức, DIFF đã đưa Đà Nẵng tiệm cận gần hơn đến cái đích “thành phố pháo hoa” của châu Á. Mỗi mùa hè, DIFF lại biến Đà Nẵng thành trung tâm của sôi động, với 5 đêm pháo hoa cùng rất nhiều sự kiện đồng hành như Carnival đường phố, Cuộc thi nhảy Flashmob, Lễ hội ẩm thực…
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, hơn một tháng diễn ra DIFF 2019, lượng khách lưu trú ước đạt 116.433 lượt, tăng 11% so với cùng kỳ 2018. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch đã tăng lên 81 cơ sở với 6.245 phòng, nhưng công suất phòng khách sạn trong thời gian diễn ra lễ hội năm nay luôn đạt mức 65-70%, nổi bật là khối khách sạn 4-5 sao, công suất đạt tới 75-85%.
Rõ ràng, sự góp mặt của những sản phẩm du lịch sáng tạo bởi những tập đoàn tư nhân đang là yếu tố quyết định để một địa phương như Đà Nẵng lột xác và trở thành điểm “phải đến” trên bản đồ du lịch quốc tế. Và nếu như địa phương nào cũng biết tận dụng và tập hợp sự sáng tạo từ các doanh nghiệp như Đà Nẵng, vị trí của thương hiệu du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ không còn ở ngôi thứ 15.