Du khách "đánh thức" làng mộc cổ 600 tuổi sau đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Sau 3 năm đóng băng do dịch Covid-19, làng mộc Kim Bồng (TP Hội An, Quảng Nam) đã chính thức mở cửa trở lại ngay trong lễ giỗ tổ làng nghề sáng 2/2 (12 tháng Giêng âm lịch).
Cứ đến 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm, người dân xã Cẩm Kim (TP Hội An) và hàng trăm du khách lại hội tụ về đây để Giỗ tổ nghề mộc Kim Bồng nhằm tri ân công đức các bậc tiền hiền đã có công khai hoang, truyền dạy nghề.
Từ sáng sớm, các bô lão khăn đóng áo dài nô nức đến đình làng tế lễ cúng, nhiều truyền nhân của làng mộc từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh Quảng Nam tề tựu về làng dự giỗ nghề.
Sau lễ cúng, hội làng được tổ chức tại trung tâm trưng bày làng nghề với những phần trình diễn nghề truyền thống điêu khắc, chạm trổ thủ công mỹ nghệ tinh xảo, độc đáo của các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng.
Bên cạnh đó, các mẹ, các chị trong làng còn trình diễn nghề dệt chiếu cói điêu luyện.
Các trò chơi dân gian như hô hát bài chòi, bịt mắt đập niêu hay ẩm thực địa phương phong phú, hấp dẫn người dân và du khách trải nghiệm.
Tại ngày hội, ban tổ chức cũng phát động cuộc vận động "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và ngày hội "đoàn kết sáng tạo".
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch TP Hội An - cho hay năm 2019, TP Hội An đã triển khai đầu tư nhiều hạng mục để phát triển du lịch tại làng mộc Kim Bồng. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19, mọi kế hoạch phải tạm đình chỉ.
"Thời gian đến, thành phố sẽ triển khai nhiều hoạt động để phục hồi du lịch tại đây, ngoài trải nghiệm làng nghề thì các trò chơi dân gian sẽ được thường xuyên tổ chức phục vụ. Lễ giỗ tổ làng nghề hôm nay chính là cột mốc khởi đầu để "đánh thức" làng mộc Kim Bồng sau thời gian trầm lắng", đại diện lãnh đạo thành phố Hội An chia sẻ.
Làng mộc Kim Bồng hay còn gọi Kim Bồng Châu có hơn 600 năm tuổi, được hình thành từ thế kỷ 15, do ông tổ nghề là người từ Thanh Nghệ di cư vào, dừng chân và lập nghiệp ở mảnh đất này.
Đến cuối thế kỷ 16 và thế kỷ 17, cùng với Hội An, nghề mộc Kim Bồng phát triển rực rỡ và có đóng góp to lớn trong sự phát triển của cảng thị này, với các công việc đóng tàu thuyền, dựng nhà, làm đồ mộc dân dụng, đồ thủ công mỹ nghệ.
Rất nhiều kiến trúc nhà cửa, chùa quán ở khu phố cổ Hội An in dấu bàn tay thợ mộc Kim Bồng. Những công trình này đẹp, đặc sắc bởi nét chạm trổ tinh xảo, tài hoa của thợ Kim Bồng; là sự hài hòa giữa kiến trúc và điêu khắc.
Thợ Kim Bồng cũng tự hào được các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và sau là triều đình nhà Nguyễn vời ra Kinh đô Huế để xây dựng các công trình. Sản phẩm mộc Kim Bồng không chỉ giới hạn trong phạm vi nước Việt mà đã vượt biển đến nhiều quốc gia trong khu vực.
Tháng 6/2016, nghề mộc Kim Bồng đã được Bộ VH-TT&DL chính thức công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.