Quảng Nam:

Đóng cửa làng du lịch cộng đồng Triêm Tây: Mô hình chưa kịp chín

(Dân trí) - Sau gần 3 năm hoạt động với sự ra đời của mô hình du lịch cộng đồng Triêm Tây, mới đây Hợp tác xã nông nghiệp Triêm Tây (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã chính thức tạm ngưng đón khách.

Bản thân người dân tham gia dự án, doanh nghiệp và cả địa phương cũng tiếc nuối, hoang mang vì sự lãng phí, không khai thác hết tiềm năng của vùng đất này mặc dù đã được hỗ trợ, đầu tư rất nhiều từ cơ sở hạ tầng, các khóa tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng (DLCĐ), cải tạo mô hình homestay…

Du khách trải nghiệm sông nước làng du lịch cộng đồng Triêm Tây
Du khách trải nghiệm sông nước làng du lịch cộng đồng Triêm Tây

Mô hình làng DLCĐ Triêm Tây từng được xem là mô hình điển hình, đầy tiềm năng được hình thành từ dự án “Phát triển làng du lịch cộng đồng Triêm Tây” năm 2015- 2020 với sự tham gia tư vấn của UNESCO, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Giai đoạn 1 giao Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Điện Bàn tổ chức triển khai thực hiện.

HTX nông nghiệp Triêm Tây được thành lập vào tháng 6/2005 với 25 thành viên, 7 tổ dịch vụ du lịch, là doanh nghiệp đại diện cho người dân Triêm Tây trong việc đón khách tham quan mô hình DLCĐ làng.

Với những sản phẩm trải nghiệm đặc trưng, thời gian đầu mô hình trở thành hình mẫu cho nhiều nơi học tập. Tuy nhiên, kể từ khi dự án kết thúc, bàn giao về địa phương và người dân, không ít phát sinh bắt đầu bộc lộ.

Ông Nguyễn Yên - Giám đốc HTX – cho hay, ở dự án này chính quyền phát động người dân làm hàng rào xanh nhưng lại quản lý lỏng lẻo, hàng rào cây xanh bị bỏ bê, thay bằng bê tông. Khi HTX lên tiếng thì dân cho rằng có làm thì cũng chỉ HTX hưởng hết, họ không được lợi ích gì. Đây là mô hình DLCĐ nhưng cộng đồng không đoàn kết, chung sức vì những lợi ích, quyền lợi cục bộ thì khó mà thành công.

Du khách khám phá các nghề truyền thống ở làng DLCĐ Triêm Tây 1
Du khách khám phá các nghề truyền thống ở làng DLCĐ Triêm Tây 1

Lý do mà HTX đưa ra để giải thích việc đóng cửa là vì thiếu nhân lực, nguồn thu từ dịch vụ du lịch không đủ chi. Với 10% được trích lại theo quy định, tổng số tiền HTX thu được qua 3 năm hoạt động đón khách khoảng 18 triệu đồng, cộng với tiền cổ phần xã viên đóng vào là 32 triệu đồng không đủ để HTX chi phí.

Kế toán nghỉ việc vì HTX không có tiền trả lương, HTX có 25 xã viên nhưng không mấy người tâm huyết tham gia, vì vậy phải tạm ngưng hoạt động để củng cố lại.

Câu chuyện bất đồng giữa nội bộ HTX, giữa người dân với HTX, giữa chính quyền với HTX là vấn đề mà làng DLCĐ phải đối diện lâu nay, âm ỉ góp phần khiến mô hình du lịch đầy tiềm năng chưa kịp “chín” đã sớm “héo” vì không giải quyết được.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch thị xã Điện Bàn, cho biết ngay khi nhận thông tin HTX ngưng hoạt động, ông đã tổ chức cuộc họp với các bên liên quan để tìm kiếm phương án phù hợp nhằm củng cố lại DLCĐ Triêm Tây.

Trước mắt, giao Phòng Kinh tế làm việc với địa phương, HTX để củng cố, xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động trong thời gian tới. Hoặc sẽ giải thể HTX nếu cần thiết; tiến hành lập lại Tổ hợp tác khác để duy trì hoạt động, đảm bảo các điều kiện đón tiếp, phục vụ du khách đến làng DLCĐ Triêm Tây.

Ông Hà cũng cho biết, hiện có khoảng 10-12 dự án đăng ký nghiên cứu, đầu tư phát triển làng DLCĐ Triêm Tây. Tuy nhiên, nhiều dự án hoạt động vẫn chưa đạt được các kết quả đề ra. Trước mắt, sẽ thành lập Tổ rà soát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, tiến độ thực hiện của tất các các dự án; báo cáo về UBND thị xã Điện Bàn trước ngày 15/10.

Trên cơ sở báo cáo của Tổ rà soát, đánh giá các dự án tại khu vực Triêm Tây, dự án nào còn vướng thủ tục thì sẽ hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục nhanh chóng, đúng quy định. Địa phương sẽ tính toán, bố trí lại, kêu gọi những nhà đầu tư lớn, hạn chế những dự án nhỏ lẻ để Triêm Tây không phải bị xé lẻ, kiên quyết củng cố lại hoạt động du lịch tại Triêm Tây phát triển theo đúng mục tiêu đã đề ra. Doanh nghiệp nào đầu tư vào đây cũng sẽ phải có phương án chia sẻ lợi nhuận cho người dân thì mới vận động người dân cùng tham gia.

C.Bính