Độc lạ: Tuyến đường sắt, đường cao tốc chạy "xuyên thủng" qua tòa nhà
(Dân trí) - Với thiết kế độc lạ đường sắt hay đường cao tốc chạy xuyên qua chung cư cao tầng khiến nhiều du khách thích thú.
Đường ray tàu hỏa được xây dựng đi xuyên qua “lỗ hổng” trong tòa chung cư 19 tầng ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, đang trở thành điểm đến thu hút du khách nhờ thiết kế độc lạ.
Nằm ở phía đông nam, thành phố Trùng Khánh luôn đi đầu trong những sáng tạo về công trình giao thông công cộng nhằm giải quyết vấn đề đi lại của hơn 49 triệu dân. Một trong các công trình có thể kể tới là đường ray tàu hỏa chạy xuyên qua tòa nhà, như đã giới thiệu ở trên.
Do địa hình đồi núi nên xây dựng hệ thống đường sắt phù hợp là một thách thứ với chính quyền thành phố. Giải pháp đặt ra là xây đường ray tàu hỏa chạy qua tòa nhà, thay vì đi vòng quanh công trình, hoặc buộc phải phá hủy để nhường lối cho công trình công cộng.
Kể từ thời điểm tuyến đường hoàn tất vào năm 2005, người dân và du khách khi tới Trùng Khánh có thể sử dụng nhà ga Liziba xây từ tầng 6 tới tầng 8 trong tòa cao ốc 19 tầng để di chuyển hàng ngày.
Theo các nhà quy hoạch, khi thiết kế, họ sớm trang bị thiết bị giảm tiếng ồn để không ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của người dân. Bởi vậy, khi đoàn tàu đi qua chỉ gây nên âm lượng tương đương với một máy rửa chén.
Cũng nhờ sự độc lạ này, giá trị của căn hộ chung cư tại tòa nhà tăng giá nhờ tiện lợi giao thông, thuận tiện cho việc đi lại.
Công trình kể trên khiến nhiều người liên tưởng tới đường cao tốc Hanshin xuyên qua tòa cao ốc ở thành phố Osaka, Nhật Bản.
Được coi là một trong những kiến trúc độc đáo nhất “xứ sở hoa anh đào”, tòa nhà 16 tầng Gate Tower có tầng 5, 6, 7 là đường cao tốc. Như vậy, thang máy của tòa nhà chỉ đi tới tầng 4 và đi thẳng lên tầng 8, bỏ qua 3 tầng dành riêng cho tuyến đường.
Nhiều người sẽ thắc mắc, tại sao lại để đường đi qua tòa nhà? Thực ra, đây là kết quả của một tranh chấp đất đai nhưng có kết thúc tốt đẹp. Tòa nhà vốn thuộc quyền sở hữu của một doanh nghiệp từ đầu thời kỳ Minh Trị (1886 – 1912). Khi doanh nghiệp làm ăn đi xuống, tòa nhà cũng chịu ảnh hưởng.
Năm 1983, chính quyền Osaka tái phát triển khu vực, nhưng chủ tòa nhà từ chối giao đất. Sau 5 năm thỏa thuận, cuối cùng hai bên đạt được giải pháp như hiện tại.
Cũng tương tự như tuyến đường sắt ở Trùng Khánh, cấu trúc bao quanh đường cao tốc Hanshin được thiết kế đặc biệt nhằm ngăn giảm tiếng ồn, độ rung tối đa. Vậy nên, ngoài việc con đường đi xuyên qua, mọi hoạt động trong tòa nhà vẫn diễn ra bình thường.
Hoàng Hà
Theo Ruptly/ Only in Japan