Đề nghị xử phạt du khách có hành vi “xấu xí” khi đi du lịch

(Dân trí) - Nhiều đại diện các doanh nghiệp du lịch cho rằng cần phải có chế tài xử phạt thật nặng đối với du khách có những hành vi vi phạm nghiêm trọng, tái diễn nhiều lần những hình ảnh “xấu xí” khi đi du lịch như: cấm xuất nhập cảnh trong 1 thời gian hoặc vĩnh viễn, các công ty du lịch vi phạm nhiều lần cũng có thể bị tước giấy phép hoạt động.

Trong hội thảo “Nâng cao hình ảnh du khách Việt – Một năm nhìn lại” diễn ra sáng 9/4 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Xuyên (Chủ tịch CLB nhà báo và du lịch) thẳng thắn cho rằng, thời gian qua người Việt đi du lịch nước ngoài mỗi năm đều có xu hướng tăng nhất là vào những dịp lễ Tết, ngày nghỉ. Tuy nhiên, điều đáng buồn là nhiều người vẫn “hồn nhiên” mang theo những thói quen xấu ra nước ngoài, làm ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch Việt cũng như làm “méo mó” hình ảnh quốc gia.

Trong một năm thực hiện chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt”, nhiều cơ quan, tổ chức đã chủ động vào cuộc tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa góp phần giảm thiểu những hành vi phản cảm của du khách Việt khi đi du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ông Xuyên cho rằng trên thực tế vẫn còn rất nhiều những “hình ảnh không đẹp” gây bức xúc trong dư luận.

Trong đó, phải kể đến sự việc 2 thanh niên chụp ảnh khỏa thân ở đỉnh Pha Luông, Sơn La (tháng 10/2016) hay hình ảnh Đại hồng chung ở Chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế) là bảo vật quốc gia nhưng đang bị nhiều du khách viết, vẽ bậy lên. Đặc biệt, du khách xả rác bừa bãi ở quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt đầu năm 2017 khiến cộng đồng “dậy” sóng.

Nhiều doanh nghiệp tham gia hội thảo cho rằng cần có chế tài xử phạt, mang tính răn đe để chấn chỉnh những hành vi chưa đẹp khi đi du lịch.
Nhiều doanh nghiệp tham gia hội thảo cho rằng cần có chế tài xử phạt, mang tính răn đe để chấn chỉnh những hành vi chưa đẹp khi đi du lịch.

Đồng tình về vấn đề này, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng cho rằng, chúng ta hay lên án du khách Trung Quốc vì họ có nhiều hành vi xấu khi đi du lịch như hay ồn ào, xả rác bừa bãi nhưng khách du lịch Việt hiện nay cũng không thua kém gì. “Mỗi du khách khi đi du lịch là một đại sứ hình ảnh của địa phương, quốc gia, đáng tiếc nhiều người lại chưa ý thức được điều này. Nhiều người Việt vẫn có thói quen xả rác nói chuyện ồn ào ở những điểm du lịch. Chúng ta hay chê du khách Trung Quốc vì họ hay ồn ào nhưng người Việt cũng ồn ào không kém…”, ông Chung nói.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, du khách nước ngoài khi đi du lịch họ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, luật pháp, phương tiện di chuyển… Trong khi đó, du khách Việt Nam hầu như đi du lịch theo cảm tính, ngẫu hứng. Thậm chí, trước mỗi điểm đến nhiều doanh nghiệp đã đưa ra lời khuyên, nhắc nhở du khách tuân thủ quy định song đều bị phớt lờ, một số người thậm chí còn tỏ rõ thái độ khó chịu. Ông Nguyễn Đức Kế (Ha Noi Tourist) thẳng thắn: “Nhiều người vi phạm không phải họ không có văn hóa mà họ còn có văn hóa rất cao nhưng họ hay làm theo đám đông. Ví dụ, họ thấy nhiều người vứt rác, họ cũng xả rác theo. Hay ăn buffet nhiều khi họ cũng lấy theo phong trào…”, ông Kế nói.

Du khách ngao ngán vì rác thải bủa vây khu du lịch Ghềnh Ráng (Bình Định). (Ảnh: Doãn Công)
Du khách ngao ngán vì rác thải "bủa vây" khu du lịch Ghềnh Ráng (Bình Định). (Ảnh: Doãn Công)

Trong năm vừa qua, các bộ ban nghành đã có nhiều hoạt động, chiến dịch thể hiện sự quyết tâm cải thiện, nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam đặc biệt là việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch của Bộ Văn hóa thể thao Du lịch. Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp, bộ Quy tắc này không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nên chỉ mang tính chất khuyến cáo, định hướng về nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thái độ, cũng như ứng xử văn minh khi đi du lịch. Vì thế nó không có chế tài, không có quy định mang tính chất bắt buộc phải thực hiện. Thời gian tới, nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần phải cụ thể hóa các văn bản bằng luật, đưa ra các chế tài mạnh, có sức răn đe.

Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới bên cạnh việc ban hành các Bộ quy tắc ứng xử khi đi du lịch họ còn có những quy định xử phạt rất nghiêm ngặt nếu du khách vi phạm. Ví dụ như tại Singapore, chỉ cần vứt một mẩu thuốc lá, xả một chút rác cũng có thể bị phạt lên tới 500 USD.

Tại hội thảo các doanh nghiệp tham gia ký kết văn bản cam kết thực hiện văn minh du lịch
Tại hội thảo các doanh nghiệp tham gia ký kết văn bản cam kết thực hiện văn minh du lịch

Hay cũng có thể áp dụng theo cách của hàng không để hạn chế những hành vi phản cảm như: tiến hành “cấm cửa” một thời gian hoặc vĩnh viễn đối với những du khách có sự vi phạm nhiều lần, làm xấu hình ảnh người Việt. Các công ty du lịch vi phạm nghiêm trọng có thể bị tước giấy phép. Có như thế, mới tạo ra môi trường du lịch văn minh, chấn chỉnh những hình ảnh chưa đẹp. “Khi phát hiện những hành vi, biểu hiện trái quy định chúng ta phải công bố rộng rãi, nhắc nhở để không vi phạm thậm chí phải có cơ chế xử phạt hành chính đối với những hành vi nghiêm trọng”, ông Nguyễn Công Hoan, đại diện HaNoi Redtours đưa ra quan điểm.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng chỉ khi nào chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường vai trò quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm cùng với quá trình vận động, thuyết phục, tạo dư luận xã hội thì môi trường du lịch sẽ dần tiến bộ và đi vào nền nếp.

“Kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp cả vận động và thuyết phục, đào tạo, hành chính và quản lý nhà nước. Mặt khác, tùy từng giai đoạn, chúng ta cũng sẽ có những chiến lược, giải pháp phát triển du lịch phù hợp. Để làm được điều này phải coi việc vận động là thường xuyên bền bỉ và lâu dài”, ông Chung nói.

Hà Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm