"Để khách quay lại lần hai, Việt Nam chỉ cần nở nụ cười"!

(Dân trí) - Để du lịch phát triển và đạt được các mục tiêu đề ra ngoài việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới mẻ, chất lượng thì cần cải thiện hình ảnh điểm đến trong đó nhiều khi chỉ cần những nụ cười chân thật của người bản xứ...

Tại hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch” tổ chức ngày 29/8 tại Hà Nội, PGS.TS Trần Đình Thiên thẳng thắn cho rằng, một trong những rào cản khiến du lịch Việt chưa tạo được đột phá chính là sự tồn tại của cơ chế “xin cho”. Hiện nay, du lịch ở nhiều địa phương vẫn phát triển theo kiểu tùy nghi, tùy hứng. Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì cần sớm loại bỏ tư duy cũ và đề cao tính chuyên nghiệp trong quản lý và kinh doanh.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng sự chuyên nghiệp là vấn đề mũi nhọn có ý nghĩa quan trọng, quyết định “sống-còn” trong phát triển du lịch. Trong đó, sự chuyên nghiệp không chỉ thể hiện ở sản phẩm du lịch, cơ sở lưu trú, chính sách du lịch mà còn ở thái độ ứng xử, cung cách phục vụ.

Ông Lê Khắc Hiệp, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, một doanh nghiệp có nhiều bộ phận và nơi nào cũng cần phải chuyên nghiệp, ngay cả việc nhỏ nhất như vào phòng của khách phải gõ cửa thế nào, ứng xử ra sao… cũng cần phải có quy chuẩn để thực hiện. Ông Hiệp đưa ra ví dụ cụ thể, trong một lần đi khách sạn ở Huế và đang ở trong phòng thì một kỹ thuật viên “đạp cửa xông vào” nói: “Thôi chết em tưởng không có ai”, việc này tạo ra cảm giác rất khó chịu.

Nhiều chuyên gia cho rằng để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì sự chuyên nghiệp có ý nghĩa quan trọng.
Nhiều chuyên gia cho rằng để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì sự chuyên nghiệp có ý nghĩa quan trọng.

“Chuyên nghiệp là một phần rất quan trọng. Khách hàng đã bỏ tiền ra để hưởng dịch vụ mà không được phục vụ chuyên nghiệp thì họ sẽ khó quay lại lần thứ 2. Tôi vẫn nghe thấy những câu chuyện về tình trạng khách bị lừa đảo, chặt chém… xảy ra mỗi ngày. Đã đến lúc không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, giáo dục mà cần phải có chế tài xử lý. Chỉ khi bị thiệt hại về kinh tế họ mới có ý thức chấn chỉnh lại hành vi của mình”, ông Hiệp nói.

Liên quan đến vấn đề chuyên nghiệp trong việc phát triển du lịch, ông Vũ Hồng Sơn, Phó Chủ tịch TP. Hạ Long thừa nhận chính sự chồng chéo, thiếu chuyên nghiệp trong cách quản lý mà đã có thời gian Hạ Long trở thành “điểm đen” du lịch. Vấn nạn chèo kéo, chặt chém xảy ra khá phổ biến. Hướng dẫn viên thường xuyên “thông đồng” với các lái tàu, chủ đập để móc tiền của khách. Thậm chí, mua con cá 2kg cũng bị nói "vống" lên tới 3kg, tàu đưa khách chưa kịp cập bến đã có 5 – 6 hàng rong chờ sẵn trên bờ… Tình trạng này đã khiến cho du lịch Hạ Long trở lên thiếu thiện cảm trong mắt khách du lịch.

Để du lịch phát triển cần tạo ra các sản phẩm đa dạng mang tính đặc trưng của từng vùng, miền.
Để du lịch phát triển cần tạo ra các sản phẩm đa dạng mang tính đặc trưng của từng vùng, miền.

“Trước đây, chúng tôi phải thông qua các sở ban ngành nên thời gian chờ đợi giải quyết sự việc rất lâu. Từ khi tỉnh Quảng Ninh bàn giao Hạ Long cho thành phố quản lý, thì tình hình này được cải thiện, thay đổi. Trong năm 2016, chúng tôi đã đình chỉ 117 chuyến tàu vi phạm hoặc có hiện tượng chèo kéo, chặt chém khách. Thái độ phục vụ ở điểm du lịch đã được chấn chỉnh”, ông Sơn nói. Lãnh đạo Tp. Hạ Long cũng cho biết, nhờ sự thay đổi trong tư duy quản lý cũng như phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp mà Hạ Long hiện nay đã khác và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch.

Trong bản tham luận của mình, đại diện đơn vị Vietravel cho rằng để du lịch phát triển trước hết cần chuyên nghiệp trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có lợi thế rất lớn về tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa tuy nhiên chúng ta lại chưa biết tận dụng nguồn tài nguyên này thành các sản phẩm du lịch đặc trưng. Ở các vùng miền, các sản phẩm đều na ná, đơn điệu và trùng lặp.

Khách du lịch chỉ cần đến một địa phương cũng có thể cảm nhận các loại hình tương tự ở các khu vực lân cận. Chính vì thế ngành du lịch cần xem xét quy hoạch lại để tạo được sản phẩm chuyên biệt, nổi bật của địa phương. Cụ thể, khu vực miền núi Bắc Bộ có thể xây dựng loại sản phẩm mang đậm chất thiên nhiên, sinh thái, các loại hình du lịch mạo hiểm, homestay kết hợp nghỉ dưỡng. Khu vực duyên hải miền Trung tập trung các loại hình du lịch biển đảo, khu vực Đồng Bằng Cửu Long là du lịch sinh thái, miệt vườn…

Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thu Trang đại diện Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, chúng ta có thể học tập cách làm của Hàn Quốc. Hiện nay những mô hình tham quan thắng cảnh, du lịch theo mùa… đã cũ và không có gì mới mẻ. Do đó, cần tiếp cận những hình thức mới mà cụ thể là du lịch theo chủ đề như: Chợ truyền thống, lễ hội du lịch, văn hóa, các sự kiện quốc tế… nhằm mang đến những trải nghiệm đặc biệt cho du khách. “Ban đầu, Tổng cục du lịch Hàn Quốc chỉ tập trung vào sản phẩm du lịch thông thường, đơn thuần trên thị trường. Nhưng 3 năm gần đây đã có chiến dịch mới với những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch Việt Nam. Cụ thể năm 2016, chứng kiến sự tăng trưởng về số lượng khách du lịch Việt Nam tới Hàn Quốc tăng 54%”, bà Trang nói.

Trong khi đó, ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng giám đốc một doanh nghiệp cũng cho rằng chúng ta có thể gia tăng trải nghiệm, giúp du khách có thêm điểm đến, vui chơi, và chi nhiều tiền hơn. Nhưng chúng ta cần cải thiện hình ảnh và giảm nhanh con số hơn 80% du khách quốc tế không muốn quay lại Việt Nam như hiện nay. Đại diện doanh nghiệp này trích dẫn lời bài viết trên Facebooker khá nổi tiếng Nguyễn Quốc Trung: “Chỉ cần những nụ cười chân thật của người bản xứ là đủ để một du khách cảm mến và tương tư một đất nước hơn bất kỳ khẩu hiệu chiến dịch tuyên truyền nào khác”.

Phát biểu trong hội thảo, ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng thừa nhận, dù năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam đã tăng 8 bậc, nhưng vẫn nằm trong nhóm phát triển trung bình, chất lượng hạ tầng, cũng như chỉ số yêu cầu kỹ thuật còn thấp trong ASEAN. Đặc biệt, chất lượng, và tính khác biệt của sản phẩm còn nhiều hạn chế.

Để tăng tính chuyên nghiệp của ngành du lịch, ông Tuấn cho rằng cần tạo sự đột phá trong các chuỗi cung ứng, tạo sự chuyên nghiệp hóa cho các chủ thể du lịch: “Tính chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh du lịch thể hiện ở sự đồng bộ, hợp lý, chất lượng trong chuỗi dịch vụ du lịch và chuỗi giá trị du lịch. Doanh nghiệp có hệ thống sản phẩm du lịch bán tới các thị trường khách đa dạng nhưng lại có nét khác biệt, độc đáo, không sao chép sản phẩm, nhái thương hiệu… Ngoài ra việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là yếu tố then chốt quyết định tính chuyên nghiệp của hoạt động du lịch”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Hà Trang