Cuối tuần thăm thú phiên chợ đồ xưa tại Hà Nội

(Dân trí) - Nằm dưới con dốc nhỏ 456 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội), phiên chợ đồ xưa không chỉ bày bán nhiều sản phẩm đồ cổ, đồ cũ khác nhau mà còn là nơi giao lưu, tụ họp của những người thích sưu tầm đồ cổ.

Phiên chợ đồ xưa tại Hà Nội chỉ họp duy nhất vào buổi sáng thứ 7 hàng tuần. Đối tượng người bán hàng và khách mua hàng tại đây cũng vô cùng đa dạng, thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau. Điều đặc biệt ở phiên chợ này, đó là người bán không phải trả phí chợ và người mua cũng không mất phí thăm quan.

 

Phiên chợ đồ xưa luôn đông đúc khách mua hàng và người tham quan

Phiên chợ đồ xưa luôn đông đúc khách mua hàng và người tham quan

 

Được biết, phiên chợ đồ xưa bắt đầu họp vào ngày 8/6/2013 với trên 20 gian hàng được bày ra khác nhau trong mảnh sân rộng khoảng vài trăm mét vuông.

 

Các gian hàng tại đây không được thiết kế cầu kỳ mà đơn giản chỉ là những chiếc bàn nhựa hay bậc thềm bê tông. Mặt hàng chủ yếu được bày bán ở đây là các loại đồ dùng cũ, đồ cổ, đồ xưa như bát sành, đèn dầu, đồng hồ, cho đến các loại tiền mệnh giá cũ của Việt Nam, các loại sách, tranh ảnh… Ngoài ra, còn có những con búp bê, hộp quay nhạc hay đồng hồ từ thời Liên Xô vẫn hoạt động cũng được đem ra bày bán.

 

Hầu hết các mặt hàng được bầy bán đều được đặt trên những chiếc bàn nhựa đơn giản

Hầu hết các mặt hàng được bầy bán đều được đặt trên những chiếc bàn nhựa đơn giản

 

Ban đầu, phiên chợ đồ xưa chỉ là nơi tụ họp của những người thích sưu tập đồ cổ tại Hà Nội, nhưng sau nửa năm hoạt động phiên chợ này đã thu hút rất nhiều người quan tâm từ các tỉnh thành khác nhau. Ngoài những người lớn tuổi đến đây như muốn tìm lại các món đồ gắn bó với họ trong ký ức xưa còn có rất nhiều bạn trẻ đến tham quan và mua sắm vì niềm yêu thích với đồ cổ.

 

Bạn Nguyễn Ngọc Lệ đến từ Mỹ Đình, Hà Nội cho biết: “Đây là lần đầu tiên mình đến với phiên chợ đồ xưa đặc biệt này. Đến đây, mình có cảm giác như được trở về không gian thời xưa. Trước đây, ông bà mình cũng có nhiều đồ giống sản phẩm được bày bán ở đây, do đó, khi đến phiên chợ này mình có cảm giác rất thân thuộc”.

 

Anh Gerard Gastel, du khách đến từ Pháp có mặt tại chợ chia sẻ: “Tôi được một người bạn Việt Nam giới thiệu tới phiên chợ đồ xưa này. Tại đây, tôi thấy có rất nhiều đồ cổ được trưng bày, thông qua đó tôi đã tìm hiểu được nhiều nét văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Và đối với người nước ngoài như chúng tôi, đây thực sự là một đề tài thú vị để nghiên cứu”.

 

Chiếc máy đánh chữ cổ thu hút sự chú ý của nhiều người.

Chiếc máy đánh chữ cổ thu hút sự chú ý của nhiều người.
Những đồng tiền của nhiều nước với đầy đủ mệnh giá khác nhau.

Những đồng tiền của nhiều nước với đầy đủ mệnh giá khác nhau.

 

Hầu hết các món đồ tại phiên chợ đều có tuổi từ vài chục cho tới hàng trăm năm, chúng đều được giới chơi đồ cổ săn lùng từ nhiều vùng, nhiều nguồn khác nhau. Đa phần các sản phẩm được bày bán tại phiên chợ đồ xưa này đều được để giá niêm iết công khai, điều này đã giúp người mua, người bán dễ dàng trao đổi hơn.

 

Có rất nhiều mặt hàng bằng đồng, sành sứ được bày bán


Có rất nhiều mặt hàng bằng đồng, sành sứ được bày bán

Có rất nhiều mặt hàng bằng đồng, sành sứ được bày bán

 

Để có được những món đồ bày bán tại chợ, các chủ gian hàng ở đây phải đi sưu tầm ở rất nhiều nơi. Vì vậy, khi đem các sản phẩm đó ra bày bán, nhiều người không dấu được sự luyến tiếc.
 

Anh Nguyễn Văn Tùng, chủ một gia hàng đồ cũ chia sẻ: “Gian hàng của tôi chủ yếu bán các mặt hàng đồ sành sứ, đồ đồng cũ và để có thể sở hữu, sưu tầm được những món đồ đó thì phải có duyên mới tìm được. Có nhiều sản phẩm khi bán đi rồi tôi rất tiếc, nhiều lúc, tìm được chủ mới của sản phẩm đó và hỏi mua lại họ cũng không bán”.

 

 

Cho tới nay, sau hơn 6 tháng đi vào hoạt động, phiên chợ đồ xưa này đã thu hút được đông đảo mọi người biết đến. Ngoài mục đích là địa điểm kinh doanh, trao đổi hàng hóa, chợ còn là nơi giao lưu, chia sẻ của những người yêu thích đồ cổ.

 

Có thể thấy, việc duy trì và phát huy nét đẹp vốn có của chợ đồ xưa là một trong những cách góp phần lưu giữ và bảo tồn các sản phẩm đồ cổ và đồ cũ tại Việt Nam.

 

Nhữ Trang