Cua hoàng đế Na Uy: Từ vùng biển Bắc Cực đến bàn ăn người Việt

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Từ vùng biển lạnh giá Barents đến các bàn ăn sang trọng ở Paris, London, Tokyo, New York và cả ở TPHCM, Hà Nội, cua hoàng đế Na Uy đã trở thành nguyên liệu cho nền ẩm thực cao cấp.

Ngôi làng ở nơi cực Bắc của thế giới

Vào những năm 1980, Bugøynes, làng chài nhỏ cực bắc Na Uy đối mặt với khó khăn về kinh tế. Nhà máy chế biến cá của ngôi làng - trụ cột kinh tế của địa phương - đã phải đóng cửa, khiến nhiều gia đình gặp khó khăn và thậm chí có ý định rời bỏ ngôi làng. Tuy nhiên, loài cua hoàng đế Na Uy đã tạo nên sự thay đổi lớn cho ngôi làng Bugøynes.

Cua hoàng đế Na Uy: Từ vùng biển Bắc Cực đến bàn ăn người Việt - 1

Ngôi làng Bugøynes được duy trì và phát triển nhờ nguồn lợi kinh tế đến từ cua hoàng đế Na Uy (Ảnh: Hội đồng hải sản Na Uy).

Ban đầu, cua hoàng đế đỏ bị coi là loài xâm hại hệ sinh thái biển địa phương, lấn át các loài bản địa và thay đổi cân bằng sinh học nơi đây. Tuy nhiên, ngư dân Na Uy đã nhận ra tiềm năng của loài cua này như một mặt hàng hải sản có giá trị rất cao.

Cua hoàng đế Na Uy: Từ vùng biển Bắc Cực đến bàn ăn người Việt - 2

Cua hoàng đế Na Uy được phát triển chậm rãi trong vùng biển Bắc Cực lạnh giá của Na Uy (Ảnh: Hội đồng hải sản Na Uy).

Làng Bugøynes đã tích cực quảng bá cua hoàng đế đến với các nhà hàng châu Âu, đưa ngôi làng ra với thế giới. Hiện nay, cua hoàng đế Na Uy được khai thác bền vững bởi ngư dân địa phương, xuất khẩu và phục vụ tại các nhà hàng danh tiếng trên toàn thế giới.

Biểu tượng cho ngành hải sản phát triển bền vững

Cua hoàng đế được mệnh danh là "hoàng đế của các loài hải sản" nhờ vào kích thước lớn ấn tượng và hương vị thịt ngọt thơm, giàu dinh dưỡng. Cua hoàng đế Na Uy đã trở thành món ăn chủ đạo trong các bữa tiệc sang trọng và có thể được thưởng thức bằng cả cách ăn nóng và lạnh.

Cua hoàng đế Na Uy: Từ vùng biển Bắc Cực đến bàn ăn người Việt - 3

Lưới bẫy cua hoàng đế Na Uy được kéo lên sau một ngày đặt dưới đáy biển (Ảnh: Nam Trần).

Cua hoàng đế Na Uy: Từ vùng biển Bắc Cực đến bàn ăn người Việt - 4

Ngư dân ở Honningsvåg thu hoạch mẻ lưới bẫy cua hoàng đế được đặt từ hôm trước (Ảnh: Nam Trần).

Ngư dân Na Uy đặt bẫy dưới đáy biển, thường ở độ sâu khoảng 70m, trong làn nước lạnh giá của biển Barents. Mồi cho bẫy được sử dụng bằng cá basa hoặc cá tuyết, và chờ đợi khoảng 24 giờ trước khi kéo bẫy lên. Một lần đánh bắt có thể thu được đến 70kg cua. Tuy nhiên, chỉ những con cua đạt kích thước và chất lượng nhất định mới được giữ lại.

Mỗi ngư dân chỉ được phép đánh bắt khoảng 2 tấn cua hoàng đế mỗi năm. Hệ thống hạn ngạch này giúp duy trì hoạt động đánh bắt bền vững và bảo vệ quần thể cua. Vi phạm các hạn ngạch sẽ bị phạt rất nặng, lên đến 30.000 USD mỗi lần sai phạm.

Các quy định này được hỗ trợ bởi các nghiên cứu khoa học và các hoạt động giám sát, giúp hoạt động đánh bắt cua hoàng đế ở Na Uy trở thành một trong những ngành nghề được quản lý tốt hàng đầu trên thế giới.

Những con số ấn tượng

Vào năm 2023, Na Uy đã xuất khẩu 2.500 tấn cua hoàng đế trị giá 1,2 tỷ NOK (tương đương 109 triệu USD), đánh dấu mức tăng 43% về giá trị và 78% về khối lượng so với năm trước đó. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này phản ánh nhu cầu với cua hoàng đế Na Uy trên khắp thế giới ngày càng gia tăng.

Tại Honningsvåg, sau khi trừ đi chi phí trang thiết bị, nhiên liệu và chi phí cho các hoạt động khác, một ngư dân có thể kiếm được khoảng 50.000 USD từ cua hoàng đế mỗi năm. Khoản thu nhập này rất quan trọng để duy trì sinh kế cho các gia đình ngư dân ở phía bắc Na Uy, nơi cơ hội việc làm thường hiếm hoi.

Sự tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu, kết hợp với giá trị kinh tế cao mà cua hoàng đế sở hữu, đã đóng góp tích cực cho sự phát triển nói chung của lĩnh vực xuất hải sản của Na Uy, với vị thế hàng đầu thế giới.

Hành trình cua hoàng đế Na Uy đến Việt Nam

Việt Nam là một trong ba thị trường tiêu thụ cua hoàng đế Na Uy lớn nhất trên toàn thế giới trong năm 2023, chỉ sau Hoa Kỳ và Hồng Kông (Trung Quốc).

Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, cua hoàng đế đang được nhiều thực khách lựa chọn khi tới các nhà hàng cao cấp. Trong các dịp lễ trọng như Tết Nguyên đán và các buổi sum họp gia đình, ngày càng nhiều gia đình lựa chọn thưởng thức cua hoàng đế Na Uy.

Cua hoàng đế Na Uy: Từ vùng biển Bắc Cực đến bàn ăn người Việt - 5

Cua hoàng đế Na Uy luôn được kiểm tra cẩn thận trong quá trình đánh bắt (Ảnh: Hội đồng hải sản Na Uy).

Cua hoàng đế Na Uy: Từ vùng biển Bắc Cực đến bàn ăn người Việt - 6

Chỉ những con cua hoàng đế Na Uy đạt chuẩn về kích thước và chất lượng mới được đánh bắt và đưa đến với người tiêu dùng trên toàn thế giới (Ảnh: Hội đồng hải sản Na Uy).

Sau khi được bắt, cua được phân loại cẩn thận theo kích thước, gắn thẻ để theo dõi và được lưu trữ trong các bể nước biển lạnh giống như môi trường sống quen thuộc của chúng. Cua hoàng đế được chuyển đến các thị trường quốc tế cần trải qua các quy trình kiểm tra chất lượng trước khi được bày bán tại các nhà phân phối và nhà hàng địa phương.

Cua hoàng đế Na Uy không chỉ là một món ăn mà còn là những trải nghiệm độc đáo. Đối với nhiều người, thưởng thức cua hoàng đế còn là thưởng thức hương vị khác lạ của vùng Bắc Cực, là sự kết nối với vùng đất phía bắc Na Uy xa xôi, và phản ảnh những tiêu chuẩn cao về đánh bắt bền vững đã giúp Na Uy khẳng định vị thế trong lĩnh vực hải sản trên toàn thế giới.