“Cột mốc” chủ quyền văn hóa Việt
(Dân trí) - Nằm ở địa đầu Tổ quốc, giáp ranh với Trung Quốc, từ ngàn đời nay Đình Trà Cổ vẫn uy nghiêm mang đậm bản sắc Việt. Đặc biệt trong đình có hai bức hoành phi lớn sơn son thếp vàng như cột mốc chủ quyền văn hóa Việt từ ngàn năm qua…
Hai bức hoành phi ghi dòng chữ: Địa cửu Thiên trường (Đất vững, Trời dài) và: Nam Sơn tịnh thọ (Nước Nam bền vững).
Làng Trà Cổ (TP Móng Cái, Quảng Ninh), nơi được xem là điểm đặt bút đầu tiên để vẽ hình chữ S trên bản đồ nước Việt.
Đình Trà Cổ được xây dựng vào năm Quang Thuận thứ 2 của đời Hậu Lê 1461 trên vùng đất phía Nam phường Trà Cổ thành phố Móng Cái tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây xưa kia người dân sống bằng nghề chài lưới, cuộc sống của họ gắn liền với sóng với gió.
Khác hẳn với những ngôi đình khác, Đình Trà Cổ có vị trí gần vùng giáp ranh Trung Quốc nhưng phong cách kiến trúc của đình mang đậm bản chất văn hóa của người Việt không hề lai căng pha tạp đồng hóa với kiến trúc Trung Hoa. Đặc biệt, trong đình có hai bức hoành phi lớn sơn son thếp vàng: Ghi dòng chữ: Địa cửu Thiên trường (Đất vững, Trời dài) và : Nam Sơn tịnh thọ (Nước Nam bền vững).
Đình Trà Cổ như một cột mốc khẳng định chủ quyền Văn Hóa của Việt Nam. Trải qua gần 600 năm thăng trầm của đất nước, không ít cơn binh lửa can qua nhưng đình vẫn giữ nguyên dáng vẻ và phong cách như xưa.
Đình Trà Cổ như một cột mốc khẳng định chủ quyền Văn Hóa của Việt Nam. Trải qua gần sáu trăm năm thăng trầm của đất nước, không ít cơn binh lửa can qua nhưng đình vẫn giữ nguyên dáng vẻ và phong cách như xưa.
Mặt bằng đình theo kiểu chữ Đinh, tiền đường gồm 5 gian, 2 trái, hậu cung có 3 gian. Mái đình hơi võng, lợp ngói mũi giống như những ngôi đình của các làng quê đồng bằng sông Hồng. Đình gồm 48 cột lim đặt trên tảng kê bằng đá xanh.
Cột cái cao 4,65 mét, chu vi cột 1,63 mét. Đình còn có 2 cột bằng đá nguyên khối cao hơn 2 mét. Trong đình có nhiều bức cửa võng trạm trổ tinh xảo được sơn son thếp vàng. Những hình ảnh cách điệu về Tứ Linh, về thần tiên, về con người... Trong hậu cung có bức trạm bông sen vàng, ở giữa giải hoa văn ô vuông. Trước hậu cung có bức y môn bằng lụa điều thêu hình rồng phượng, đôi chim hạc cao 1,5 mét.
Sàn đình làm bằng gỗ, cao 0,4 mét, bưng kín bằng những bức trạm trổ. Nhiều kết cấu mái đều được cách điệu và trạm trổ tinh xảo. Liên kết hệ khung dầm và vách ngăn đều bằng gỗ lim có kích thước lớn. Trong đình hiện còn lưu giữ được những hiện vật cổ rất có giá trị.
.Đình Trà Cổ thờ 6 vị Thành Hoàng làng đã có công lập nên xã Trà Cổ xưa. Truyền rằng Trà Cổ tổ Đồ Sơn - Những người dân Đồ Sơn xưa đã đến nơi này - Họ là những ngư dân, là những người lính ra trấn giữ mảnh đất này của Tổ quốc và ở lại sinh cơ lập nghiệp lập nên làng chài Trà Cổ.
Bắt đầu từ năm nay, Lễ hội đình Trà Cổ được Móng Cái nâng cấp thành lễ hội quy mô cấp thành phố, nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh thu hút du khách.
Lễ hội năm nay được tổ chức từ ngày 26 đến 28-6. Phần lễ bao gồm: Rước mâm hoa quả và cây đèn thần về đình; rước kiệu nghênh thần; rước cỗ chay, cỗ mặn của 12 ông đám cũ và 12 ông đám mới.
Phần hội năm nay có nhiều hoạt động phong phú, đặc biệt là chương trình nghệ thuật được tổ chức liên tục trong 3 đêm hội 26, 27 và 28-6 tại sân đình Trà Cổ, đình Tràng Vỹ với sự tham gia của gần 100 diễn viên
Hàng ngàn năm qua đi, xa xôi và cách trở nhưng người dân Trà Cổ vẫn còn giữ nguyên nền nếp của người dân vùng biển Đồ Sơn. Có nhiều người dân Trà Cổ đã xa rời quê hương đi định cư ở nước ngoài nhưng vẫn luôn nhớ về cội nguồn đất Việt. Họ vẫn luôn nhớ về mái đình Việt nơi địa đầu Tổ quốc.
Minh Phan