Quảng Nam:
Công ty lữ hành và sản xuất mây tre kết nối để thúc đẩy du lịch vùng cao
(Dân trí) - 30 công ty lữ hành và các tổ hợp tác sản xuất hàng thủ công mây tre, dược liệu vừa có chuyến khảo sát nhiều điểm du lịch văn hóa ở huyện vùng cao Đông Giang, Quảng Nam để thúc đẩy du lịch.
Đây là dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft) tổ chức.
Sự kiện giao thương giữa các công ty lữ hành với các tổ hợp tác sản xuất hàng thủ công mây tre và dược liệu ở xã Sông Kôn và xã Tư và cộng đồng ở làng du lịch sinh thái Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang.
Ông Lê Bá Ngọc – Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam – cho biết, với sự tham gia của các công ty lữ hành, là cơ hội để giới thiệu tiềm năng, các sản phẩm du lịch sinh thái trên địa bàn cũng như các sản phẩm dược liệu, thủ công mỹ nghệ truyền thống của đồng bào Cơtu ở vùng cao Quảng Nam.
“Sự kiện đã thúc đẩy kết nối thị trường tiêu thụ các sản phẩm dược liệu và đan lát thông qua việc ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp và các tổ hợp tác, góp phần nâng cao sinh kế cho cộng đồng địa phương và phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn nói chung và thôn Bhơ Hôồng nói riêng”, ông Lê Bá Ngọc nói.
Kết thúc sự kiện giao thương, đã có 18/30 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa các doanh nghiệp với các tổ hợp tác sản xuất hàng đan lát và dược liệu của đồng bào Cơtu.
Hiện dự án Trường Sơn Xanh của USAID đang hỗ trợ các hoạt động phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở thôn Bhơ Hôồng bao gồm tập huấn kỹ năng lễ tân cho 30 hộ, thiết kế và trang trí các vật thể, công trình bằng mây tre thu hút khách du lịch gắn với giáo dục về môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng không gian văn hóa đồng bào Cơtu và các gian trưng bày sản phẩm đan lát truyền thống.
Hiện thôn Bhơ Hôồng đã được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới với mục tiêu trở thành điểm du lịch văn hoá quốc gia. Điều này mang lại nhiều điều kiện thuận lợi để thôn phát triển nghề truyền thống gắn liền với mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm.
Các hoạt động hỗ trợ này nằm trong tiểu dự án “Cải thiện sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam” đã được triển khai từ tháng 9/2019 bởi dự án Trường Sơn Xanh của USAID và VietCraft.
Tiểu dự án được thực hiện tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam bao gồm các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Núi Thành và Phước Sơn.
Tiểu dự án hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo tồn đa dạng sinh học cho rừng Quảng Nam đồng thời giảm phát thải trong quá trình sản xuất thông qua phát triển chuỗi giá trị mây và cây dược liệu nhằm cải thiện sinh kế, tạo thu nhập ổn định cho cộng đồng sống gần rừng và phụ thuộc vào tài nguyên rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc.
Bên cạnh các nội dung về thực hành sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, nội dung nâng cao nhận thức cho người dân về giảm thiểu các hoạt động gây áp lực lên rừng và đe dọa đa dạng sinh học cũng đã được lồng ghép xuyên suốt quá trình triển khai dự án cũng như thông qua các lớp tập huấn.
Kết quả ban đầu cho thấy cộng đồng địa phương đang tham gia tích cực vào việc phát triển các chuỗi giá trị cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương, những mô hình hứa hẹn sẽ giúp họ cải thiện sinh kế, qua đó giảm bớt tác động tiêu cực lên rừng và môi trường tự nhiên nói chung.
Công Bính