Có một Ninh Bình ở Bạc Liêu

(Dân trí) - Những con đường, cây cầu, trường học…tại tỉnh Bạc Liêu mang những địa danh của tỉnh Ninh Bình đã góp phần gắn chặt thêm tình đoàn kết anh em của 2 địa phương ở 2 miền đất nước.

Hai tỉnh Bạc Liêu và Ninh Bình kết nghĩa từ năm 1960. Từ đó, nhiều công trình trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được đặt tên theo các địa danh của tỉnh Ninh Bình như Tràng An, Hoa Lư, Gia Viễn…đã góp phần gắn kết tình anh em hai miền Nam Bắc.

Đường Ninh Bình ở Bạc Liêu.
Đường Ninh Bình ở Bạc Liêu.

Một tuyến đường lớn rộng 24m, dài trên 1km ở phường 2 (TP Bạc Liêu) nay mang tên đường Ninh Bình. Con đường rộng lớn, thông thoáng, đẹp mắt nối từ đường Nguyễn Thị Minh Khai với Cao Văn Lầu với những hàng cây bằng lăng 2 bên đường mùa này tím nở. Trên đường Ninh Bình có rất nhiều quán cà phê, các quán ăn uống phục vụ nhu cầu vui chơi, thư giãn của người dân. Đặc biệt, trên tuyến đường này có Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia là Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu- đây là điểm thăm quan, du lịch tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu.

Tuyến đường Ninh Bình rộng 24m, dài hơn 1km...
Tuyến đường Ninh Bình rộng 24m, dài hơn 1km...

Tuyến đường Ninh Bình rộng 24m, dài hơn 1km...
...nơi có Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia là Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Trên Quảng trường Hùng Vương, quảng trường lớn nhất khu vực ĐBSCL tại phường 1, TP Bạc Liêu có một công trình mang tên “Biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình”. Đó là một biểu tượng có hồ nước rộng 176m2 với 3 vòm cong trên hồ liên kết với nhau tượng trưng cho sự trùng trùng điệp điệp, hùng vĩ của thiên nhiên Ninh Bình hòa quyện với những ruộng muối đặc trưng của Bạc Liêu.

Tuyến đường Ninh Bình rộng 24m, dài hơn 1km...
Công trình "Biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình" trên Quảng trường Hùng Vương- quảng trường lớn nhất ĐBSCL.

Bên cạnh đó còn có 3 khối đá được lấy từ đá chân châu của tỉnh Ninh Bình. Chất liệu đá gợi lên ý niệm và liên tưởng về sự vĩnh cửu. Sự kết hợp của 3 khối đá gợi nên câu thơ “Một cây làm chẳng nên non / Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa 2 tỉnh kết nghĩa ở hai đồng bằng của hai đầu đất nước.

Biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình lung linh về đêm.
"Biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình" lung linh về đêm.

Cũng tại phường 2 (TP Bạc Liêu) có một cây cầu dây văng bắc qua kênh 30/4 mang tên cầu Tràng An. Với địa danh Tràng An nhắc người ta nhớ đến thắng cảnh nổi tiếng của đất Ninh Bình. Ngoài ra còn có một số cây cầu khác mang địa danh Ninh Bình như cầu Gia Viễn, cầu Trường Yên…tại các huyện của tỉnh Bạc Liêu.

Cầu Trang An nổi bật bắc qua kênh 30/4.
Cầu Trang An nổi bật bắc qua kênh 30/4.
Cầu Trang An nổi bật bắc qua kênh 30/4.
Cầu Trang An nổi bật bắc qua kênh 30/4.
Cầu Trang An nổi bật bắc qua kênh 30/4.

Bên cạnh đó, nhiều công trình là các trường học ở Bạc Liêu cũng được đổi tên như Trường THCS phường 2 đổi thành Trường THCS Bạc Liêu- Ninh Bình; Trường Tiểu học thị trấn Châu Hưng đổi thành Trường Tiểu học Hoa Lư…

“Có một Ninh Bình ở Bạc Liêu” làm cho người ta cảm thấy hai địa phương, hai miền đất nước như gần hơn. Khách phương xa khi tìm đến Bạc Liêu sẽ được thấy, được nghe những câu chuyện xúc động, có ý nghĩa sau mấy chục năm kết nghĩa của 2 vùng đất này. 

                                                                                                            Huỳnh Hải