Cổ Chất - làng dệt nổi tiếng đất Thành Nam
(Dân trí) - Đến Cổ Chất du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi khắp làng đâu đâu cũng thấy những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả phơi trên những thanh sào tre.
Nói đến nghề dệt Nam Định, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến làng tơ Cổ Chất. Bởi đây là nơi khởi sinh ra loại tơ tằm đẹp nổi tiếng đất thành Nam.
Làng nghề dệt Cổ Chất nằm ven dòng sông Ninh (xã Phương Đình, Trực Ninh, Nam Định) nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Từ thành phố Nam Định theo quốc lộ 21 hoặc xuôi theo dòng sông Hồng khoảng 20 km về phía Đông nam du khách tới thăm làng dệt lụa Cổ Chất.
Đây là làng nghề truyền thống có từ khá lâu của Nam Định. Suốt chiều dài lịch sử vài trăm năm sinh tồn với nghề dâu tằm, Cổ Chất trở thành một làng nghề nổi tiếng khắp vùng miền gần xa.
Trong những xưởng kéo tơ, các bà các chị miệt mài làm việc trong màn khói bốc nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Kén tằm cho vào nồi được khỏa liên tục thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi. Sợi tơ chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít. Những bó tơ trắng, vàng từ nơi đây sẽ dệt nên biết bao tà áo, tô thắm cho vẻ duyên dáng của người con gái Việt Nam.
Thời Pháp thuộc, Cổ Chất nói riêng và Trực Ninh nói chung lúc đó đã trở thành vùng vành đai nguyên liệu cung cấp cho công ty bông vải sợi Bắc Kỳ. Tơ Cổ Chất nổi tiếng đến độ vào khoảng đầu thế kỉ XX, giới tư bản Pháp đã cho đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh. Từ đây, nghề làm tơ ở Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh. Tơ Cổ Chất đã nổi tiếng hàng thế kỷ qua.
Nghề dâu tằm Cổ Chất xưa rất đơn sơ, người dân chỉ ươm tơ lấy tơ đan lưới dùng đánh bắt cá trên vùng sông nước. Rồi từ đó, nghề ươm tơ dệt lụa qua nhiều thế kỷ trở thành làng nghề tơ Cổ Chất ngày nay.
Nhân lực chủ yếu là phụ nữ, đàn ông phụ giúp củi than đốt lò và phơi phóng, còn trẻ em và người già thì làm những việc nhẹ nhàng hơn như phân loại kén và nhộn. Mỗi gia đình ở đất này có thể ví như một lò ươm tơ. Người Cổ Chất có phong thái tao nhã hiền hòa, sớm hôm cần mẫn bên nong dâu, bên nong tằm né kén.
Sau khi nhập về, độ khoảng 1 tháng, kén tằm trưởng thành và được kéo sợi. Tơ kéo xong đem quấn vào ống rồi phơi khô là đã có thể bán được. Những ống to óng mượt được các lái buôn đến tận nơi nhập hàng, một phần đổ cho các xưởng dệt, còn phần lớn xuất sang Lào, Thái Lan.
Tơ Cổ Chất được làm thủ công hay bằng máy cũng đều rất đẹp và có chất lượng tốt. Sợi tơ thanh mảnh, mềm mại nhưng rất bền và có màu sắc tươi sáng. Ngày nay, người già trong làng vẫn thường làm tơ theo phương pháp thủ công như một thói quen và lòng yêu nghề truyền thống của quê hương, mặc dù giới trẻ đã áp dụng máy móc vào nghề này.
Làng Cổ Chất còn có đền Vạn Cổ Hương và chùa Phổ Quang tự. Đền chùa này đã hợp thành một quần thể kiến trúc của làng Cổ Chất được Bộ Văn hóa cấp bằng di tích lịch sử- văn hóa đền chùa Cổ Chất.
Dạo quanh làng Cổ Chất, bạn sẽ cảm thấy tâm hồn mình nhẹ bẫng bởi cảnh thanh bình của sông nước, của chùa chiền, của nhà thờ, bởi những ngôi nhà cổ, được tận mắt nhìn những người thợ thủ công ươm tơ, kéo kén dệt lụa trên những khung cửi gỗ thô sơ.