Chuột, bọ: “Đặc sản” trứ danh miền Tây
(Dân trí) - Đi khắp đất nước lục tìm khắp mọi nẻo đường cũng không thể tìm ra thú ẩm thực khoái khẩu của người miền Tây này. Chỉ có tại nơi đây, nơi mảnh đất của sông nước, con người mộc mạc, giản dị mới có những món ăn dân dã độc nhất vô nhị như thế…
Chuột đủ món
Thịt chuột là món ăn "khoái khẩu" của người miền Tây Nam bộ hay bất cứ ai khác nếu có dịp thưởng thức một lần. Chuột đồng ở miền Tây có hai loại: Chuột cơm và chuột cống nhum.
Mùa chuột, bà con nông dân thường xuyên tổ chức những buổi đi săn bắt chuột, trước là cải thiện bữa cơm gia đình sau chiêu đãi bạn hiền nhằm giới thiệu món ngon miệt đồng. Đây cũng là cách làm giảm bớt chuột nhằm bảo vệ mùa màng.
Thú vị nhất trong mùa săn bắt chuột đồng phải kể đến thời điểm bà con nông dân cắt lúa trên ruộng, người cắt lúa sẽ cắt bao cù tạo thành những vòng tròn rồi đào những hang sâu nhỏ, bên trên tạo thành những đống lúa sập giả mà thực tế đây là những chiếc bẫy "hữu hiệu" để người bắt cứ thò tay tóm hết con này đến con khác. Ngoài ra để “ăn trọn” người ta còn dùng lưới bao trùm bên ngoài để chuột không chạy thoát, sau đó một thậm chí hai người chui vào bên trong để bắt chuột.
Thịt chuột là món ăn dân dã đầy hấp dẫn, nhưng được xếp vào loại món đặc sản miệt đồng.
Ở nông thôn món ngon dễ làm có lẽ là món chuột đồng nướng tươi, chuột luộc cơm mẻ hay chuột hấp cơm hoặc chuột khìa...
Bên cạnh các món ngon từ thịt chuột, người nội trợ ở đồng đất còn nghĩ ra món ngon độc đáo đó là chuột xào kiệu, cùng với hành tây, gốc hành lá, nấm rơm và rau cần tàu, người ta có một món ngon nhớ mãi. Gắp một miếng thịt chuột cho vào miệng, nhai, nghe những sớ thịt mềm trong răng và mỡ của nó tươm tràn trên mặt lưỡi thì không còn gì hấp dẫn hơn.
Hiện nay, ở nhà hàng thịt chuột được nâng lên thành nhiều món ăn cao cấp và sang trọng mà khách du lịch phương xa có dịp về miền Tây có nếm thử một lần thì chẳng e ngại gì kêu thêm lần hai và khi ăn xong còn suýt xoa khen con chuột đồng ở miền Tây sao mà hấp dẫn thế.
Bọ đặc sản…
Khi dừa trổ “lưỡi mèo” cây hay bị con đuông (loại bọ cánh cứng ) phá hại. Cây nào rủi ro bị chúng chọn trú ngụ sau mùa giao phối sẽ chết dần. Đuông đẻ trứng, sinh sôi ngay trong củ hủ dừa
Khi đốn cây, người ta bổ củ hủ bắt ra có đến hàng trăm con đuông, những con non tơ trắng đục ngọ nguậy, béo mập cỡ ngón tay cái.
Với người dân miền Tây, những con đuông ngọ nguậy béo mập là món ăn dễ chế biến, thơm ngon. Người ta ngâm đuông vào thau nước muối pha loăng cho sạch rồi lấp nẹp tre, nướng than hồng riu riu, thong thả trở đều tới khi chín vàng, thơm nức, được chấm nước mắm ngon giằm me hoặc chanh, tỏi. Cầu kỳ hơn thì trụng đuông qua nước sôi, nhét hành vào bụng, cuốn lát thịt quan con đuông rồi bọc mỡ bên ngoài, nướng chấm tương quết nhuyễn cùng gia vị.
Món Đuông ăn kèm với rau thơm, chất cay, chua. Có người lại thích chiên đuông trong chảo mỡ phi tỏi.
Cầu kỳ hơn thì nhũng đuông qua nước sôi, nhét gốc hành vào bụng, cuốn trong lát thịt thái mỏng, bọc mỡ chài bên ngoài, nướng chấm tương quết nhuyễn cùng gia vị. Các bà nội trợ hay lựa đuông trưởng thành, vặt cánh, rửa sạch tẩm bột cùng gia vị, đem chiên gịòn ăn với bún, giá sống, dưa leo, nước mắm chua ngọt...
Đuông (kể cả đuông chà là) còn có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nữa. Dù là món gì, đuông vẫn được người đời xưng tụng là “Đệ nhất đặc sản miền Tây Nam bộ”.