Choáng váng vì thế giới thay đổi chóng mặt sau 100 ngày lênh đênh trên biển
(Dân trí) - Suốt hơn 100 ngày lênh đênh trên biển, khi trở lại bờ đúng vào thời điểm dịch bệnh đang tràn lan, du khách gần như choáng ngợp trước sự thay đổi của thế giới.
Đầu tháng 1 năm nay, ông Carlos Paya và vợ bắt đầu hành trình du ngoạn khắp thế giới.
Sau hơn 100 ngày lênh đênh trên biển, dù có cập nhật tình hình trước đó, nhưng khi đặt chân lên bờ vào thời điểm du thuyền Italy Costa Deliziosa vừa cập cảng Barcelona, Tây Ban Nha, ông Paya không tránh khỏi sự choáng ngợp vì thế giới thay đổi quá nhanh trước "cơn bão" đại dịch Covid-19 tràn qua.
Paya và vợ là một trong những hành khách trên du thuyền Costa Deliziosa. Họ bị mắc kẹt nhiều tuần trên biển do hàng loạt các nước áp đạt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch. Sau đó, ông Paya đã bắt được một chuyến tàu về thị trấn quê nhà Valencia, nơi cách Barcelona khoảng 350 km.
"Chúng tôi vẫn theo dõi tin tức trên truyền hình, báo chí, nhưng khi trở về vẫn thấy choáng váng. Mọi người ra ngoài đều đeo khẩu trang và găng tay. Tôi chưa quen được điều này. Đây là cú sốc và chắc chúng tôi phải mất mấy ngày mới thích nghi được", du khách 58 tuổi người Tây Ban Nha cho biết.
"Trái tim tôi như thắt lại khi đặt chân về quê ở Valencia. Nhưng đường phố vắng lặng không bóng người. Theo một cách nào đó, nhìn có vẻ bình yên đẹp đẽ, nhưng nó lại khiến lòng bạn chùng xuống", ông Paya bày tỏ.
Cũng theo du khách này, hành trình rời Venice vào ngày 5/1 là một "giấc mơ lớn" của đời ông. Trước đó, hai vợ chồng đã nhiều lần nói chuyện về việc du lịch vòng quanh thế giới bằng tàu. Nhưng mãi tận khi ông Paya bị chuẩn đoán mắc căn bệnh thoái hóa không thể đi xa được, họ quyết định thực hiện giấc mơ.
Những hành khách trên du thuyền như ông Paya bắt đầu nhận ra sự tác động ghê gớm của đại dịch càn quét thế giới khi họ rời Bora Bora ở Polynesia, quần đảo thuộc Pháp.
"Chúng tôi đang ở trên thiên đường và nhìn thấy thế giới dường như biến thành địa ngục", ông Paya nhớ lại.
Hàng loạt điểm dừng chân tại châu Á theo kế hoạch của du thuyền 12 tầng này đều bị hủy bỏ. Thay vào đó, nó tiếp tục tới Australia. Nhưng khi tới đây, chính quyền nước này cũng đóng cửa biên giới để ngăn dịch, bởi vậy, du thuyền Costa Deliziosa phải quay trở lại châu Âu.
"Hai phần ba của hành trình rất tuyệt vời và một phần ba còn lại thì kỳ lạ, mang tính lịch sử tới mức tôi không nghĩ mình có cơ hội trải nghiệm lần nữa trong đời", ông Paya nói.
Khi đại dịch lan khắp thế giới, nhiều đất nước bị phong tỏa, thì trên du thuyền sang trọng này, nhịp sống vẫn diễn ra bình thường. Khoảng 1.800 hành khách và 900 thủy thủ đoàn trên tàu không ai nhiễm bệnh.
"Chúng tôi không thể phàn nàn. Khi thế giới như vậy, thì chúng tôi được ở một nơi có thể giao lưu ăn uống cùng nhau, cùng tới rạp hát, làm những điều mà nhiều nơi bạn không thể". Cũng trên du thuyền này, ông Paya đã đón sinh nhật tuổi 59 với "một thế giới tách biệt".
Tuy vậy, du khách người Tây Ban Nha này khẳng định ông cùng những người khác trên tàu không hề thờ ơ trước "thảm kịch" đang diễn ra, đặc biệt nhiều khách đến từ Italia - một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề vì bệnh dịch nhất thế giới.
Dù một số người vẫn muốn tiếp tục ở lại tàu vì muốn tránh lây nhiễm Covid-19 và không bị hạn chế cuộc sống hàng ngày, nhưng ông Paya và vợ vẫn quyết định ra về. Cặp đôi cho biết, họ rất hạnh phúc khi được về nhà, đoàn tụ cùng cậu con trai 21 tuổi vào "thời khắc cam go này".
Quốc Việt
Theo AFP/ France24