Chính phủ phê duyệt hàng loạt cảng tàu du lịch quốc tế

(Dân trí) - Cảng Chân Mây, Tiên Sa, Đầm Môn, Hòn Gai, Nha Trang, Côn Đảo, Sao Mai, Sài Gòn vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết đinh phê duyệt quy hoạch phát triển thành hệ thống cảng biển có bến tàu phục vụ du lịch trong thời gian tới đây.

Ngày 24/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1037/QĐ-TTg về việc Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet

Theo đó, hệ thống cảng biển Việt Nam được quy hoạch theo vùng lãnh thổ sẽ gồm 6 nhóm cảng từ Bắc vào Nam, với các thông số quy hoạch cụ thể. Trong đó có một số bến, cảng được quy hoạch phục vụ cho cả hoạt động du lịch, dự kiến có khả năng tiếp nhận các tàu du lịch quốc tế có trọng tải từ 50.000-100.000 GT (GT: Gross Tonnage, đơn vị đo dung tích của tàu biển, 1GT=2,831m3).

Cụ thể: khu bến Chân Mây (Cảng biển Thừa Thiên Huế) thuộc nhóm cảng biển Trung Trung Bộ, là khu bến cảng tổng hợp có bến phục vụ tàu du lịch quốc tế, tiếp nhận tàu khách đến 100.000GT và lớn hơn.

Khu bến Tiên Sa (Cảng biển Đà Nẵng) thuộc nhóm cảng biển Trung Trung Bộ, là khu bến cảng tổng hợp, tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế 100.000GT và lớn hơn với ga hành khách đồng bộ và hiện đại.

Bến cảng Đầm Môn (Bắc Vịnh Vân Phong) thuộc nhóm cảng biển Nam Trung Bộ, là bến cảng tổng hợp, có bến chuyên dùng cho tàu khách du lịch quốc tế và hàng hóa khác.

Bến cảng Hòn Gai (Quảng Ninh) thuộc nhóm cảng biển phía Bắc, sẽ được xây dựng đồng bộ bến hành khách đường biển đầu mối cho khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, tiếp nhận được tàu khách du lịch quốc tế đến 100.000GT và lớn hơn.

Bến cảng Nha Trang thuộc nhóm cảng biển Nam Trung Bộ, từng bước được chuyển đổi công năng thành đầu mối du lịch biển đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế 100.000GT và lớn hơn và tàu chở khách trên tuyến nội địa Bắc – Nam.

Bến cảng Côn Đảo (Bến Đầm – cảng biển Vũng Tàu) thuộc nhóm cảng biển Đông Nam Bộ, là bến cảng tổng hợp, đầu mối giao lưu hàng, khách với đất liền, tiếp nhận tàu trọng tải đến 5000 tấn tàu chở hàng và khách.

Bến tàu khách du lịch tại Sao Mai- Bến Đình (Bà Rịa - Vũng Tàu) thuộc thuộc nhóm cảng biển Đông Nam Bộ. Bến tiếp nhận tàu chở khách du lịch quốc tế 100.000GT và lớn hơn, đảm nhận vai trò đầu mối tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế cỡ lớn cho toàn vùng.

Khu bến trên sông Sài Gòn - Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh) thuộc nhóm cảng biển Đông Nam Bộ. Dự kiến sẽ di dời, chuyển đổi công năng theo QĐ số 791/QĐ-TTg ngày 12/8/2005; tận dụng một số phần cầu bến tại Khánh Hội làm bến khách nội địa và trung tâm dịch vụ hàng hải. Các bến trên sông Nhà Bè chỉ cải tạo, nâng cấp, không mở rộng cho tàu trọng tải đến 30.000 tấn. Xây dựng mới bến tàu khách với ga khách đồng bộ, hiện đại, tiếp nhận được tàu khách du lịch quốc tế đến 50.000GT tại Phú Thuận (hạ lưu cầu Phú Mỹ).

Đồng thời nghiên cứu phát triển một bến cảng hành khách du lịch quốc tế tại khu vực đảo Phú Quốc, Kiên Giang.

Việt Nam có tỷ lệ đất liền trên chiều dài bờ biển vào loại cao so với thế giới, cụ thể cứ 100km2 đất liền Việt Nam có 1km bờ biển trong khi trung bình của thế giới là 600km2.

Chính vì lý do này, loại hình du lịch tàu biển là loại hình du lịch tiềm năng, phát triển du lịch tàu biển là một chiến lược quan trọng trong qúa trình phát triển du lịch nhằm góp phần quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh về vùng đất, con người Việt Nam đến với du khách quốc tế.

Cùng với đó, Các khu, điểm du lịch của Việt Nam chủ yếu nằm trên dải ven biển, chiếm đến 70% tổng số khu du lịch và thu hút khoảng 50% lượng du khách. Thế nhưng lượng khách quốc tế đến với Việt Nam bằng tàu biển lại rất thấp, năm 2013 là 193.300 lượt, chỉ bằng 2,5% lượng du khách.

Với quy hoạch này, trong thời tới sẽ góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh của đất nước; cùng với hình thành những đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng với quốc tế làm động lực phát triển các khu kinh tế, đô thị - công nghiệp ven biển Việt Nam.

Minh Phan