Chiêm ngưỡng gà gỗ quý hiếm giá bạc triệu ở chợ đồ cổ
(Dân trí) - Hàng năm, cứ từ 20 đến 30 tháng Chạp, phiên chợ đồ cổ ở Hà Nội lại được diễn ra. Để chuẩn bị đón Tết Đinh Dậu, gà bằng đồng vẫn là mặt hàng được nhiều người săn lùng nhất. Đặc biệt, tại phiên chợ có sự xuất hiện của một chú gà gỗ sơn thếp quý hiếm.
Ngay giữa ngã năm Hàng Mã, Hàng Cân, Hàng Lược, Hàng Đồng (Hà Nội), hàng nghìn mặt hàng được bày bán giữa lòng đường. Đây không chỉ là điểm mua bán mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm của người chơi đồ cổ đất Hà Thành và các tỉnh lân cận.
Gà gỗ sơn thếp đặc biệt của năm Đinh Dậu có giá khoảng 5-6 triệu. Theo lời chủ cửa hàng, để có được chú gà gỗ quý hiếm, anh đã mất nhiều công sức để tìm kiếm và sưu tầm.
“Phải có duyên mới kiếm được nó. Gà này làm bằng gỗ sơn thếp nên rất quý. Phải đợi đến năm con gà, nhà tôi mới đem ra chợ trưng bày, mục đích chính là để mọi người thưởng lãm.”, chủ cửa hàng chia sẻ.
Gà bằng đồng có giá rẻ hơn và được nhiều người mua về trưng bày dịp Tết Đinh Dậu. Tùy vào kích cỡ mà giá cả từng nơi dao động khác nhau.
Trước đây, chợ đồ cổ chỉ có vài gian hàng. Mỗi dịp Tết đến xuân về, chợ họp hàng năm trên phố Hàng Rươi. Nhưng sau này, vì nhu cầu của nhiều người, chợ được mở rộng, xuất hiện thêm nhiều gian hàng trên phố Hàng Mã, Hàng Lược.
Chợ bày bán rất nhiều mặt hàng, từ các loại đồ thờ, tượng Phật hoặc tứ linh bằng đồng, đỉnh đồng, lư hương… đến các vật dụng bình dị trong cuộc sống hằng ngày như bát, đũa, dao, nĩa...
Một số chủ hàng giới thiệu rõ với khách đâu là đổ cổ, đồ giả cổ, nhưng nhìn chung đều "sản xuất từ vài chục năm trước". Tuy nhiên, chỉ những người trong nghề mới phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là giả bởi các món hàng này được chế tác rất tinh xảo.
Giá cả những món đồ ở đây dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng.
Một chiếc đỉnh đốt trầm có từ cách đây vài chục năm.
Lông công trang trí mang nhiều ý nghĩa phong thủy. Lông công chứa đựng, tích tụ nhiều tinh hoa của đất trời, rất vượng khí nên để trong nhà, cơ quan, cửa hàng đều được.
Một cặp tượng nhỏ có giá khoảng 800.000 đồng.
Đĩa đồng thường được trưng trong nhà. Cũng giống lông công, món hàng này mang ý nghĩa về phong thủy. Theo lời người bán và người mua, việc mua bán, trao đổi những món đồ cổ vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới là để cầu mong sự may mắn.
Chợ bày bán rất nhiều những xu tiền có từ cách đây hàng chục năm. Không chỉ người Việt Nam, chợ đồ cổ thu hút cả những du khách nước ngoài đến xem và mua hàng, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên và tranh thủ chụp ảnh.
Người đến chợ đồ cổ không chỉ để mua, bán mà còn là để tìm lại những hoài niệm một thời. Người bán cũng không quá quan trọng chuyện bán được hay không, lời lãi bao nhiêu, mà chủ yếu mở rộng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc sưu tầm và chơi đồ cổ.
Bài và ảnh: Hoàng Ngọc