Chặt chém xứ người - xứ ta
Mấy hôm nay, thông tin một cửa hàng trong khu mua sắm nổi tiếng Sim Lim ở Singapore lừa “bán đểu” iPhone 6 cho một du khách Việt Nam, chiếm đoạt mấy trăm đô Sing tràn ngập trên các phương tiện truyền thông.
Một quan chức của Tổng cục Du lịch Singapore đã xác nhận vụ việc này và kêu gọi mọi người hãy thông báo những trường hợp buôn gian bán lận để đưa lên mạng cảnh cáo. Một thương nhân Singapore đã tìm gặp nạn nhân và đăng lời kêu gọi cộng đồng mạng đóng góp tiền hỗ trợ du khách này. Và chỉ sau mấy ngày đã thu được mười mấy ngàn USD nhưng nạn nhân chỉ xin nhận 550 đô Sing bằng số tiền bị chiếm đoạt thôi. Người Singapore đã phẫn nộ, tẩy chay cửa hàng nói trên. Và cửa hàng đã phải đóng cửa.
Đó là chuyện ở Singapore. Còn ở nước ta, chuyện buôn gian bán lận, chặt chém, chửi khách, thậm chí đánh khách không hiếm thấy. Nhất là các dịch vụ, quán xá dọc đường. Nhiều người quan niệm: “Cả đời họ chỉ đến một lần, tại sao lại không chém?”. Vài năm trước có vài vụ du khách nước ngoài bị taxi Hà Nội chặt hơn triệu đồng khi đi từ phố về khách sạn chỉ mấy kilomet khiến tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phải đến xin lỗi.
Nhưng đó chỉ là chuyện hiếm. Đặc biệt tại nhiều TP du lịch nổi tiếng ở Việt Nam, nạn “chặt chém” khách du lịch là chuyện thường ngày. Bản thân người viết cũng là nạn nhân của nạn chặt chém. Mặc dù mang tiếng là đi vẹt gót giày trên khắp đất nước mình nhưng mỗi lần ra Hà Nội là mỗi lần bị chặt chém. Và bị chửi. Nghe giọng Nam, mấy bà mấy chị “đặc cách” tăng giá thoải mái. Ngồi xổm trên vỉa hè ăn một tô bún ngan giống như người bên cạnh, thế nhưng tô người khác chỉ 40.000 đồng trong khi tô mình 50. Hỏi sao vậy? Trả lời: “Khác”. Hỏi khác gì thì nhận được cái nguýt và cái bĩu môi! Gọi taxi về khách sạn cách vài ba kilomet, chẳng xe nào chịu đi. Hỏi xích lô, đòi 80.000 đồng, trả giá 50.000 đồng thì nhận được tiếng trả lời bất ngờ: Cút!
Tôi còn nghe nói đến “phở chửi”, “cơm hét” ở Hà Nội. Dù ăn trả tiền đàng hoàng vẫn bị chửi hay hét như đuổi đi! Và biết bao chuyện buồn khác kể hoài không hết về cách ứng xử trong kinh doanh của người Hà Nội bây giờ. Văn hóa của người Tràng An đâu rồi?
Ở Sài Gòn cũng không thiếu nạn chặt chém du khách. Nếu là người từ tỉnh xa về hãy cẩn thận khi ghé mấy cửa hàng vỉa hè, nhất là mấy cô cậu bé hàng rong. Giá một có khi hét năm bảy lần, trả giá nào cũng “dính”.
Ở TP biển du lịch nổi tiếng ở phương Nam là Vũng Tàu lại có cách chặt chém du khách “tế nhị một cách ma giáo” hơn là tạo một sự đã rồi. Mua 1 kg mực trả giá xong xuôi đâu đó rồi, bảo nướng đi sẽ được thưởng thức chỉ có bảy, tám trăm gram thôi! Nhưng được cái là ít khi bị chửi, đôi khi còn được nghe giọng em bán mực ngọt như mía lùi, nói anh hai thông cảm, mùa này gió động, mực đắt quá, cũng được an ủi đôi phần!
Suy cho cùng tất cả cũng là văn hóa trong kinh doanh. Và cũng do môi trường sống tạo nên tính cách ấy chứ không phải như nhiều người bảo vì đó là những người nhập cư từ các tỉnh về. Thế sao những người đó ở tỉnh họ lại chơn chất? Tôi chợt nhớ chuyện cây quất của Án Anh thời Xuân Thu chiến quốc. Án Anh người nước Tề đi sứ nước Sở. Vua Sở muốn làm nhục ông, thấy ông người bé nhỏ bèn đóng cổng chính chỉ mở cánh cửa nhỏ bảo Án Anh chui vào. Án Anh bảo tôi đi sứ nước Sở chứ đâu có đi sứ nước chó mà chui lỗ chó. Vua Tề mắc cỡ bèn mở cổng chính cho ông vào. Trong tiệc tiếp Án Anh, vua Tề cho người dẫn một tên trộm đến trước mặt Án Anh bảo rằng tên trộm này là người nước Tề. Án Anh bảo cây quất ở phía Nam sông thì ngọt nhưng khi trồng ở bờ Bắc lại chua, chẳng qua là do thổ nhưỡng. Tên này ở Tề không trộm cắp, khi sang ở nước Sở lại ăn trộm, cũng như cây quất vậy thôi!
Trên đây chỉ là vài chuyện nhỏ, còn biết bao điều đáng để những người làm văn hóa - du lịch suy ngẫm.
Theo Phạm Chu Sa
Pháp luật TP.HCM