Gia Lai:

Chàng trai Ba Na “chân đất” tiên phong mở homestay làm du lịch

(Dân trí) - Với mong muốn được giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình,  Đinh A Ngưi (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) đã mạnh dạn đầu tư mở homestay theo kiến trúc truyền thống của người Ba Na. Đồng thời, A Ngưi còn góp phần lớn bảo tồn văn hóa cồng chiêng.

Đi đầu làm homestay trên xã nghèo

Ghé thăm làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng), chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước cơ ngơi của Đinh A Ngưi (người dân tộc Ba Na). Anh là người đi đầu mở các dịch vụ lưu trú cho những du khách thăm quan trên địa bàn các huyện Đông Nam. Cổng vào được anh A Ngưi thiết kế đơn giản, mộc mạc và lưu giữ nhiều nét văn hóa của người Ba Na xưa. Gắn liền với không gian thì ẩm thực của A Ngưi cũng phục vụ chủ yếu  từ các món dân dị của người Ba Na mang đi rừng, lên rẫy ăn.

Trò chuyện với chúng tôi, anh A Ngưi cho biết: “Ý tưởng mở homestay được xuất phát trong những lần dẫn tour cho khách du lịch ghé thăm Kbang. Nhận thấy nhu cầu của khách muốn được trải nghiệm và khám phá thêm về Tây Nguyên, mình chợt nhận ra phải làm gì đó để níu giữ du khách. Đồng thời quảng bá được những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Ba Na. Nghĩ là làm, tháng 2/2019 mình bắt đầu mở ra dịch vụ homestay và thiết kế các tour du lịch trên địa bàn huyện Kbang.”

Chàng trai Ba Na “chân đất” tiên phong mở homestay làm du lịch - 1
Từ mong muốn đưa những bản sắc dân tộc mình giới thiệu cho bạn bè trên cả ngước biết, A Ngưi đã đầu tư xây dựng mô hình Homestay đầu tiên trên xã nghèo

Homestay của anh A Ngưi được xây dựng trên diện tích 1 ha. Bước đầu xây dựng với 4 phòng ngủ và 1 nhà sinh hoạt cộng đồng. Tại nhà sinh hoạt của mình, A Ngưi đã bày trí những món đồ gần gũi, đặc trưng của đồng bào Bahnar nhưng cũng có những nét chấm phá sáng tạo. A Ngưi đã sưu tập cho mình một bộ cồng chiêng, đàn T’rưng, nhiều trang phục, vật dụng được làm từ thổ cẩm đẹp và tinh xảo do chính tay mẹ anh trồng bông, xe sợi, nhuộm màu và dệt thành…Điều này đã giúp du khách có dịp trải nghiệm và hiểu hơn về đời sống văn hóa Tây Nguyên.

Để làm được những điều này, A Ngưi không ngừng học hỏi những người đã làm du lịch. Đặc biệt phải tìm ra cách phát triển được truyền thống của người Ba Na, vừa thu hút được khách, vừa mang được lợi nhuận kinh tế. Đặc biệt, không được để mô hình homestay của mình bị “thương mại hóa”, “hòa nhập nhưng không hòa tan”.

Chàng trai Ba Na “chân đất” tiên phong mở homestay làm du lịch - 2
A Ngưi luôn bỏ ra thời gian để sưu tầm những vật dụng, cồng chiêng, thổ cẩm...để giới thiệu đến các du khách

Bước đầu làm homestay, anh A Ngưi cũng gặp phải nhiều khó khăn khi không nhận được sự ủng hộ của gia đình. “Nhà mình có biết homestay là gì đâu, nghe mình bảo đầu tư tiền bạc làm thì không ai trong gia đình ủng hộ cả. Nhưng với niềm đam mê và khát khao mang văn hóa người bản địa để giới thiệu cho mọi người biết đến đã thôi thúc mình phải làm. Tính đến cuối năm 2019, lượng khách lưu trú ở homestay đã lên đến gần 2.000 lượt khách trong và ngoài nước”, A Ngưi cho biết.

Truyền cảm hứng cho dân làng làm du lịch

Vốn là cán bộ của Trung tâm VH-TT-TT huyện Kbang, anh A Ngưi hiểu rõ được những nét văn hóa đặc sắc cũng như thế mạnh của người đồng bào Ba Na. Trước khi tiến hành mở homestay, anh A Ngưi đã kêu gọi được các đội cồng chiêng, múa xoang lớn nhỏ của làng, các đội nấu ăn, dệt thổ cẩm, các nghệ nhân hát sử thi,… để phục vụ cho những tour du lịch và lưu trú qua đêm. Anh còn thường xuyên xuống nhà vận động người dân nuôi heo, gà, ủ rượu cần, để khi có khách thì sẽ có sẵn nguyên liệu phục vụ.

A Ngưi cho biết: “Mình có may mắn khi được người dân tin tưởng, nên công tác vận động người dân cùng làm du lịch không có nhiều khó khăn. Đến nay, mỗi khi khách du lịch ghé thăm, dù là không đặt lịch trước mình vẫn đáp ứng được nhu cầu của khách. Heo, gà, rượu tất cả đều có sẵn trong vườn nhà dân cả rồi, không lo thiếu”.

Chàng trai Ba Na “chân đất” tiên phong mở homestay làm du lịch - 3
Nhiều năm qua, A Ngưi đã cùng với chính quyền tập luyện và bảo tồn tiếng cồng, tiếng chiêng trên xã Kông Lơng Khơng.

Làng Kgiang hiện có 140 hộ, 100% là người đồng bào Ba Na. Nhờ sự vận động của A Ngưi họ đều chung tay làm du lịch. Từ ngày có homestay của A Ngưi, đời sống văn hóa tinh thần của người đồng bào nơi đây ngày càng khởi sắc hơn. Khi có khách du lịch ghé thăm, họ lại được phô diễn tài năng, thả hồn trong những điệu chiêng, xoang. Thông qua việc diễn  xướng họ cũng có thêm chút kinh phí để mang về cho gia đình. Không những thế, A Ngưi còn nhờ người lớn tuổi của làng để dạy cho lớp cồng chiêng nhí trong làng. A Ngưi mong muốn, đã là người con của Ba Na thì phải biết đánh cồng, đánh chiêng.

Già làng Đinh B’lich cho biết: “Từ ngày có A Ngưi làm du lịch, văn hóa truyền thống của người Ba Na vùng này ngày càng được nhiều người biết đến. Nhờ A Ngưi mà nhiều người dân có thêm thu nhập, san sẻ bớt những khó khăn về kinh tế đồng thời còn quảng bá được văn hóa của người đồng bào mình.”.

Chàng trai Ba Na “chân đất” tiên phong mở homestay làm du lịch - 4

Anh A Ngưi chủ nhân của home stay

Chia sẻ về những dự đinh, hướng phát triển sắp tới, anh A Ngưi cho biết: “Sắp tới mình đang liên kết với các hộ dân quanh đây để mở thêm các phòng ngủ. Qua năm 2020 mình sẽ xây dựng thêm 4 phòng ngủ tương đương với khách sạn 2 sao. Dự trù kinh phí đầu tư vào khoảng gần 1 tỉ đồng, để phục vụ các nhu cầu của khách du lịch. Mình cũng mong muốn có thêm nhiều cộng tác, đặc biệt là các bạn sinh viên trẻ cùng đam mê du lịch để thực hiện các ý tưởng phát triển du lịch cộng động, để đưa văn hóa địa phương đến với mọi người trên khắp mọi miền đất nước.

Phạm Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm