Chẳm chéo Sơn La chưa ăn thử rồi sẽ nhớ…
(Dân trí) - Bạn hãy thử một lần lên Tây Bắc, đến với Sơn La, vào một đêm lạnh dịu ngồi quanh bếp lửa, nhâm nhi rượu cần nồng nàn, ăn một miếng cơm lam chấm cùng với chẩm chéo.
Chẩm Chéo là loại gia vị miền Tây Bắc đặc biệt là đất Sơn La, từ lâu lắm rồi gia vị này đã đi vào huyền thoại, không thể thiếu trong bữa ăn của người Thái đen.
Hầu như không có bữa ăn nào quan trọng của người Thái lại thiếu được chẳm chéo, thứ này nó giống như một dạng muối vừng của người miền xuôi.
Người Thái ở Sơn La bảo rằng, chẳm chéo được làm chủ yếu từ quả Mắc Khén. Mắc, theo tiếng Thái, có nghĩa là quả. Nhưng còn Khén thì không hề có chữ gì đồng nghĩa hay cả trong ngôn ngữ bản địa. Bởi vậy mắc khén mãi mãi sẽ là một tên riêng, tự nhiên tồn tại như chính bản thân núi rừng hoang dã, bí hiểm mà cũng quá đổi quen thuộc với con người.
Thực tế Mắc Khén là một loài cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu, khi đơm trái sẽ kết thành những chùm quả nhỏ li ti, tỏa hương thơm dịu. Người chốn sơn lâm chỉ việc lên sườn núi, tìm những cành Mắc Khén chín về phơi khô rồi xoa cho quả rời cành.
Người Sơn La lấy chẳm chéo để chấm xôi, các món luộc, đồ nướng và cả các món rau sống.
Vì vậy mà người ta có rất nhiều cách chế biến chẳmg chéo để phù hợp với từng món ăn trên mâm cơm. Nguyên liệu chính của chẳm chéo là: ớt, muối, mắc khén, tỏi, mì chính. Ngoài ra còn có các loại rau thơm, xả, gừng… tùy theosở thích của người ăn.
“Chẳm” theo tiếng Thái có nghĩa là món chấm, “chéo” là thứ được chế từ các loại gia vị được hòa quyện vào nhau nên được gọi là “chéo”, “Chẳm chéo” được chế biến từ muối, ớt tươi nướng, tỏi, mì chính… đặc biệt một loại gia vị không thể thiếu là mák khén. Tất cả được giã nhuyễn trộn đều vào nhau thành một loại nước chấm xền xệt. “Chẳm chéo” là món chấm không thể thiếu trong mâm cơm của người Thái Sơn La, người Thái ví chẳm chéo hơn cả thịt, cá dù trong bữa cơm không có thịt có cá chỉ cần có chẳm chéo cũng thành một bữa cơm ngon. Khi gia chủ có mặt ở nhà thì món chéo được đặt ra trước tiên.
Chẳm chéo là một thức chấm cổ truyền của người Thái vùng Tây Bắc. Với mùi vị đặc trưng của rất nhiều loại rau thơm giã nhỏ, vị cay của ớt nướng và mùi thơm ngái độc đáo của hạt tiêu rừng sẽ đem đến một cảm giác lạ lẫm.
Mỗi loại chẳm chéo có một hương vị riêng, phù hợp với từng món ăn nhưng bát chẳm chéo của người Thái bao giờ cũng có vị chung là hương thơm của các loại lá, vị cay cay của ớt và vị hăng nồng của mắc khén. Tuy nhiên, có lẽ ở Sơn La chẳm chéo hợp với món cơm lam hơn cả chẳng thế mà người ta thường nói rằng, không có mắc khén không làm ra chẩm chéo, không có chẩm chéo không thành bữa cơm lam.
Đồng bào Thái không chỉ sử dụng chẳm chéo trong những bữa ăn ngày thường, mà còn dùng để đãi khách miền xuôi. Vì thế, nó vừa là món dân dã, vừa là là đặc sản núi rừng của con người nơi đây.
Bạn hãy thử một lần lên Tây Bắc, đến với Sơn La, vào một đêm lạnh dịu ngồi quanh bếp lửa, nhâm nhi rượu cần nồng nàn, ăn một miếng cơm lam chấm cùng với chẩm chéo.
Minh Phan (Tổng hợp)