Cậu bé từng đu càng máy bay sống sót kỳ diệu gây "chấn động", giờ ra sao?

Hà Trang

(Dân trí) - Cách đây 17 năm, một cậu bé bỏ nhà ra đi đã bám càng máy bay trải qua một chặng đường nguy hiểm nhưng may mắn sống sót kỳ diệu.

Cậu bé sống sót kỳ diệu

Năm 2004, tại Trung Quốc, câu chuyện về cậu bé Liang Panlong bám theo càng của một chiếc máy bay từ Côn Minh (Vân Nam) đến Trùng Khánh mà vẫn sống sót khiến dư luận xôn xao và chấn động.

Sở dĩ câu chuyện này khiến nhiều người "choáng váng" là do máy bay đạt đến độ cao 10.000m, nhiệt độ của con người không thể chịu đựng được môi trường bên ngoài có thể bị tê cóng đến mất mạng. Chưa kể nguy cơ bị rơi xuống dưới là rất cao do máy bay bay với vận tốc hàng trăm km/h.

Cậu bé từng đu càng máy bay sống sót kỳ diệu gây chấn động, giờ ra sao? - 1

Liang Panlong (ngoài cùng bên phải) sống sót nhưng hậu quả để lại là thị lực, thính lực đều bị ảnh hưởng.

Trước đây, Liang Panlong ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Trong mắt mọi người, cậu bé là một học sinh ngoan, tương lai tươi sáng. Thế nhưng, đột nhiên Liang trở nên khó bảo, không chỉ cãi bố mẹ mà còn nghiện game online. Hệ quả là cậu học sinh này luôn la cà ở quán Internet, chểnh mảng học hành.

Trong khi cha mẹ muốn kiểm soát con trai thì Liang Panlong lại muốn thoát ra khỏi sự quản lý đó. Ở tuổi mới lớn cộng với suy nghĩ bồng bột, Liang đã bỏ nhà ra đi 2 lần nhưng đều bị bố mẹ tìm thấy. Sáng ngày 5/11/2004, cậu bé Liang lên kế hoạch bỏ trốn lần ba.

Sáng sớm ngày 5/11/2004, Liang Panlong tìm đến một chuyến tàu chở hàng. Cậu bé chẳng biết sẽ đi về đâu, chỉ có một suy nghĩ là rời bỏ quê nhà Hoài Lâm (Hồ Nam) để tránh xa sự cằn nhằn của bố mẹ về chuyện chơi game.

Do nhân viên đoàn tàu không phát hiện nên Liang Panlong đã rời quê nhà và kết thúc hành trình tại ga Côn Minh, Vân Nam. Khi tàu đến nơi, nhân viên mới phát hiện Liang. Cậu bé lạ lẫm với mọi thứ xung quanh, không biết đường, chẳng ai giúp đỡ, không ai thân thích nên đi lang thang dọc theo đường tàu.

May mắn cậu bé được một sĩ quan quân đội tìm thấy. Người này cho Liang một ít thức ăn rồi dẫn cậu bé đến đồn cảnh sát. Tại đây, khi được hỏi lý do bỏ nhà đi lang thang, Liang tự nghĩ ra kịch bản là cha mẹ ly hôn, ăn không đủ no nên đi lang thang.

Sau khi nắm được thông tin sơ bộ, phía đồn cảnh sát liên lạc về với gia đình của Liang. Tại đồn cảnh sát, Liang quen một cậu bé khác là Shu Qing cũng bỏ nhà ra đi và đang ở trong hoàn cảnh tương tự, không muốn trở về với bố mẹ.

Cậu bé từng đu càng máy bay sống sót kỳ diệu gây chấn động, giờ ra sao? - 2
Sau khi máy bay đạt đến độ cao ổn định, càng và lốp được đưa vào bên trong khoang chứa dưới bụng máy bay.

Khi biết nhân viên cảnh sát liên lạc với cha mẹ, Liang Panlong bàn với Shu Qing về kế hoạch chạy trốn. Lợi dụng lúc nhân viên cảnh sát bận việc, 2 đứa trẻ chạy ra ngoài. Đêm hôm đó, tranh thủ lúc trời tối, Liang và Shu vượt qua hàng rào sân bay với ý định lên máy bay chơi, nhưng không có thang dẫn nên không trèo lên cao được. Thay vì cố trèo lên, 2 đứa trẻ ngồi trên càng, lốp máy bay.

Trong khi 2 cậu bé đang ở trên càng thì chuyến bay cất cánh lúc 8h10 sáng. Liang và Shu cố gắng bám chắc vào thanh kim loại để không bị rơi xuống. Tuy nhiên, may mắn không đến với Shu Qing, em bị rơi xuống, do tốc độ gió lớn, không mở nổi mắt nên Liang chỉ thấy cơ thể của Shu vụt qua trong tích tắc rồi biến mất.

Cậu bé từng đu càng máy bay sống sót kỳ diệu gây chấn động, giờ ra sao? - 3

Khi máy bay đã đạt đến độ cao ổn định, bộ phận bánh xe được thu vào khoang chứa, Liang Panlong vội cuộn tròn và nằm yên trong khoang này.

Khi đạt đến độ cao ổn định, càng và lốp được đưa vào trong thân máy bay, Liang Panlong có chỗ trú ẩn. Để giữ tính mạng, Liang cố bám chặt thanh kim loại, không buông dù chỉ một giây. Điều đáng nói là khi ở độ cao cách mặt đất 10km (10.000m), nhiệt độ bên ngoài khoảng -50 độ C có thể gây tử vong nhưng nhờ Liang ở trong khoang chứa bộ phận hạ cánh nên giữ được nhiệt độ cơ thể.

Theo lời kể của Liang Panlong, lúc ở trong cabin chứa càng và lốp, bản thân không cảm thấy lạnh mà cảm thấy nóng, muốn cởi bỏ quần áo. Thực tế đó là dấu hiệu rất nguy hiểm, cảm giác nóng và hiện tượng cởi bỏ quần áo trong môi trường có nhiệt độ cực thấp là cách cơ thể cố điều hòa thân nhiệt. Dù cảm thấy nóng nhưng thực tế là toàn bộ cơ thể đang tê cóng đến mức nghiêm trọng.

Hậu quả sau hành trình nguy hiểm

Sau 1,5 tiếng, máy bay hạ cánh, Liang được cứu sống. Tuy nhiên âm thanh quá lớn khi máy bay ở trên trời khiến cho màng nhĩ bên tai phải của Liang bị ảnh hưởng, gần như mất thính lực.

Lúc máy bay hạ cánh, phần lốp được đưa ra ngoài, Liang bám theo phần trên lốp và tiếp đất an toàn. Nhân viên mặt đất ở sân bay phát hiện Liang trong tình trạng kiệt sức, mặt tái nhợt, run rẩy.

Câu chuyện nhanh chóng được báo chí biết đến, Liang đột nhiên trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, sự mạo hiểm có thể mất mạng này của Liang khiến người ta không khỏi rùng mình.

Mặc dù, sống sót nhưng Liang chịu đựng nhiều di chứng, cả thính lực và thị lực đều suy giảm, một bên mắt bị mờ. Sau một thời gian tập luyện đến nay, tai của Liang đã được cải thiện.

Cậu bé từng đu càng máy bay sống sót kỳ diệu gây chấn động, giờ ra sao? - 4
Hình ảnh Liang Panlong ở thời điểm hiện tại.

Gia đình Liang Panlong và Shu Qing đệ đơn kiện sân bay. Qua quá trình xét xử, 2 gia đình được nhận số tiền bồi thường là 120.000 nhân dân tệ.

Sự việc khiến Liang Panlong thay đổi hoàn toàn, cậu bé chăm chỉ học hành, hứa không để bố mẹ phải phiền lòng. Sau khi kết thúc cấp 3, Liang đỗ vào một trường đại học. Hiện tại, cuộc sống của Liang Panlong cũng như biết bao người khác, mở một cửa hàng để kinh doanh.

Tuy nhiên, ký ức về lần bám càng máy bay năm nào có lẽ vẫn in đậm trong tâm trí suốt đời. Đặc biệt, nhiều năm đã trôi qua, song Liang Panlong vẫn khôn nguôi nhớ về người bạn đồng hành Shu Qing không may tử vong khi cuộc hành trình chưa kết thúc.