Cần xây dựng cái “hồn riêng” cho du lịch Đà Nẵng để hội nhập và phát triển

(Dân trí) - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng tại Hội thảo TP Đà Nẵng – thành tựu, tiềm năng, hội nhập và phát triển được tổ chức sáng 23/4.

Hội thảo được tổ chức nằm trong khuôn khổ Triển lãm 40 thành tựu và phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng nhân 40 năm giải phóng Đà Nẵng diễn ra từ ngày 22 - 26/4.

Theo ông Bình, mặc dù Đà Nẵng đã gặt hái được một số thành tựu khởi sắc ban đầu. Tuy nhiên, du lịch Đà Nẵng cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn từ quá trình hội nhập và từ chính việc phát huy sức mạnh nội tại. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng trở nên quyết liệt, việc định vị sự khác biệt hay điểm nhấn sản phẩm, đặc biệt trong du lịch rất quan trọng. Hiện nay, hầu hết các tỉnh ven biển nào cũng phát triển loại hình nghỉ dưỡng biển, có nhiều điểm đến ngay ở trong nước đang trở thành đối thủ cạnh tranh với du lịch Đà Nẵng về nghỉ dưỡng biển như Nha Trang, Mũi Né hay Phú Quốc và quốc tế như Bali, Phuket, Genting… Điều đó, đòi hỏi du lịch Đà Nẵng phải định vị cho mình sản phẩm khác biệt, hay nói cách khác, đó là xây dựng cái “hồn riêng” của du lịch Đà Nẵng để hội nhập, cạnh tranh và phát triển.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Từ đó, ông Bình đã đưa ra một số kiến nghị, trước tiên cần quy hoạch không gian phát triển du lịch của TP để xác định trung tâm du lịch của Đà Nẵng, giống như vực khu trung tâm phố cổ Hội An, khu vực gần đại nội Huế, đường Trần Phú (Nha Trang), khu vực trung tâm của Pattaya (Thái Lan) hay khu ven biển Bali của Indonesia. Theo nghiên cứu, Trung tâm du lịch Đà Nẵng cần được quy hoạch từ bờ đông sông Hàn tới biển Đà Nẵng – nơi giao thoa của 2 huyết mạch kết nối, đó là đường Nguyễn Văn Linh – Võ Văn Kiệt, kết nối sân bay với Trung tâm này và vành đai Nguyễn Tất Thành – Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa – Điện Ngọc – Hội An, kết nối Trung tâm du lịch Đà Nẵng với các du sản văn hóa thế giới.

Cần xây dựng cái “hồn riêng” cho du lịch Đà Nẵng để hội nhập và phát triển

Cần xây dựng cái “hồn riêng” cho du lịch Đà Nẵng để hội nhập và phát triển

Thứ hai, với lợi thế là trung điểm của đất nước, thuận lợi về giao thông, có sự sẵn sàng phục vụ của các sản phẩm du lịch bổ sung từ các vùng phụ cận và đặc biệt là có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của các bộ, ngành, tổng công ty trong nước và quốc tế tại Đà Nẵng. Do vậy, cần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của loại hình du lịch công vụ M.I.C.E thông qua đầu tư nguồn lực cho các chiến dịch xúc tiến quảng bá về MICE với thông điệp “Đà Nẵng là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động M.I.C.E”. Giai đoạn 2015 – 2017 cần tập trung khai thác mạnh thị trường M.I.C.E trong nước. Giai đoạn 2017 – 2020 sẽ tập trung khai thác khách M.I.C.E quốc tế sau “cú hích” của hội nghị thượng định APEC dự kiến được tổ chức tại Đà Nẵng trong năm 2017.

Thứ ba,  cần khuyến khích đầu tư phát triển các khu vực vui chơi giải trí trong nhà qua việc đẩy mạnh tiến độ quy hoạch và xây dựng Nhà hát lớn thành phố, bảo tàng Mỹ thuật, đầu tư nâng cấp các bảo tàng, các di tích lịch sử. Đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế, các chương trình đại nhạc hội, các chương trình nghệ thuật đẳng cấp quốc tế để phục vụ người dân và du khách.

Thứ tư, để khắc phục những hạn chế cơ bản về liên kết nội bộ, tạo sức mạnh cạnh tranh và hội nhập, cần cơ chế phối hợp nguồn lực để phát triển sản phẩm, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và công tác xúc tiến, quảng bá. Bên cạnh đó, việc phân bổ thêm ngân sách để tái đầu tư cho hoạt động phát triển du lịch, cần thiết phải có sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt đông kinh doanh trên địa bàn.

Khánh Hồng